Site icon Nơi chia sẻ kinh nghiệm du lịch

Bản Cát Cát – ngôi làng truyền thống đẹp nhất của dân tộc H’Mong

Bản Cát Cát – ngôi làng truyền thống đẹp nhất của dân tộc H’Mong

Bản Cát Cát là một làng dân tộc Mông nằm cách thị trấn Sa Pa khoảng 2 km. Đây là điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung. Đến với bản Cát Cát, các bạn có thể trải nghiệm mặc đồ thổ cẩm đặc trưng của người H’Mong bằng cách thuê trang phục ở các quán cạnh quầy mua vé (giá một bộ khoảng 50-70k thôi nhé). Ngoài ra, tôi còn mua thêm hai gói kẹo để trên đường phát cho những đứa trẻ trong bản.

Bước vào bản, ấn tượng đầu tiên của tôi là khung cảnh rất đẹp, bản nằm dưới thung lũng nên đứng phía trên nhìn view dưới chân vô cùng huyền ảo và ấn tượng. Hai bên đường có những hàng quán bán đồ thổ cẩm. Những người H’Mông họ rất thật thà, bán hàng không nói thách, mời chào rất bình thường, không quá nài nỉ như khu vực miền xuôi. Những câu mời khách đơn sơ, mộc mạc sẽ để lại ấn tượng cho quý khách.

Từng bậc thang nối tiếp, xuống các chòi nhỏ, bạn có dừng chân tại đây để chụp ảnh, lấy toàn quang cảnh thung lũng từ trên cao.

Dọc đường đi có nhiều ngôi nhà văn hóa được bảo tồn, chủ yếu tái hiện sinh hoạt và cuộc sống thường ngày cho khách du lịch hiểu biết hơn về người Mông. Tất cả đều được làm bằng gỗ, lá, nền đất càng khiến bạn thấy hứng thú hơn với nơi này.

Đi xuống một đoạn, lưng chừng dốc có một bãi đất trồng hoa. Tại đây, bạn chụp cảnh toàn thung lũng sẽ thấy cảnh quan nơi đây cực đẹp. Những bông hoa rực rỡ khoe sắc màu trên nền trời ấm áp, xung quanh là những ngọn đồi xanh mướt uốn lượn .

Men theo con đường đá dốc xuống, đi chừng hơn trăm bậc đá, bạn sẽ nghe thấy tiếng nước chảy mạnh. Bước xuống dưới là dòng thác trắng xóa nước, chảy xiết. Vào mùa mưa lũ, nước có phần đục hơn do sạt đất, nhưng vẫn khiến du khách phải thích thú. Nếu muốn chụp toàn cảnh thác, bạn nên đứng từ trên cao để chụp toàn bộ dòng thác ấy.

Bên cạnh đó, bạn có thể đi ra khu vực giữa thác theo đường tre gập ghềnh để chụp ảnh cùng những chiếc cối xay gió bằng tre vô cùng thú vị. Tuy nhiên, nên cẩn thận vì đường có thể sẽ ướt trơn, tại đây có nhiều bức ảnh được lưu giữ làm kỷ niệm trong hành trình khám phá bản Cát Cát.

Đi càng xuống sâu dưới bản, không khí ngày càng trong lành và mát mẻ, tiếng suối róc rách rì rào cùng tiếng chảy của dòng thác thôi thúc chúng tôi xuống với khung cảnh đẹp như mơ ở đây.

Không khó để thấy thấp thoáng giữa những hàng cây là ngôi nhà truyền thống người dân tộc Mông  được dựng men theo các bậc thang lát sỏi đá, khung cảnh đầy cổ kính mà chân thực, bình dị làm tôi yêu nơi này hơn bao giờ hết.

Dân bản ở đây vẫn gìn giữ nét văn hóa đặc trưng với trang phục truyền thống của người Mông. Phụ nữ vẫn dùng tấm vải quấn quanh đầu làm khăn, áo khoác với cổ áo thêu họa tiết cổ. Thắt lưng được thêu các họa tiết cầu kỳ có tua rua 2 đầu. Váy có hình nón cụt được xếp nếp với phần mông bó chặt, thân váy xòe. Ðàn ông người vẫn đội chiếc mũ làm bằng vải lanh, áo trong xẻ nách, áo khoác dài ở bên ngoài.

Bản Cát Cát không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông. Nơi đây còn bảo lưu khá tốt nhiều nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn như hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa và muông thú, hoa văn góc cạnh..

Ngoài ra, bản Cát Cát còn có nhiều món ăn với cách chế biến phong phú độc đáo: rượu ngô Mông, thắng cố, thịt hun khói, khăng gai, tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô,..

Trên đây, tôi đã review về bản Cát Cát, tôi tin chắc rằng, với những phong cảnh xuất sắc nơi đây, các bạn sẽ cuồng chân mà muốn xách ngay balo lên và tiến thẳng tới Cát Cát ngay, vì nó đẹp đến vậy cơ mà.

Thank you and I’ll see you next time!

Exit mobile version