Nhiều du khách chi tiền triệu để trải nghiệm bay dù lượn, môn thể thao mạo hiểm mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo, mới lạ.
“Đây là ước mơ từ nhỏ của tôi khi xem các phi công bay dù lượn trên TV. Đến khi được trải nghiệm, tôi nghiện cảm giác tuyệt vời mà bộ môn này mang lại”, Sơn Huỳnh (sống tại TP.HCM) chia sẻ.
Trải nghiệm đáng giá
Sơn cho biết lần đầu bay ở Mù Căng Chải vào năm 2019 đã thôi thúc anh đăng ký lớp huấn luyện bay dù lượn. “Bay dù lượn là một chuỗi đánh giá và xử lý tình huống nên cần phải học, rèn luyện và bay nhiều để rút kinh nghiệm, đảm bảo an toàn trong quá trình chơi. Đó là lý do tôi chọn học và đã lấy được chứng chỉ P3. Tôi đang chờ học lên và thi xác nhận P5 trong thời gian sắp tới”, anh Sơn nói.
Dù lượn là một môn thể thao mạo hiểm, phi công sẽ chạy đà và lao khỏi sườn núi từ độ cao hàng trăm đến hàng nghìn mét. Để chinh phục bộ môn này đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp và phải trải qua lớp huấn luyện khắt khe để tránh những sự cố nghiêm trọng.
Tuy nhiên trong quá trình bay, du khách còn phải chịu những ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết như sức gió, hướng gió…có thể khiến người chơi rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu không có kinh nghiệm xử lý.
Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, môn thể thao này vẫn rất thu hút những khách du lịch đam mê xê dịch trên bầu trời. Người chơi được trải nghiệm cảm giác tự do bay lượn giữa bầu trời, thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của thiên nhiên từ trên cao mà ít hoạt động du lịch khác có được.
Trở về sau chuyến bay dù lượn tại đảo Lý Sơn, Bùi Quang Hưng (học viên thuộc Liên đoàn Dù lượn Thể thao TP.HCM) chia sẻ: “Từ trên trời cao, tôi được nhìn ngắm cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng, đẹp tuyệt vời, mở ra một góc nhìn mới, khác nhiều so với trải nghiệm ngắm cảnh từ mặt đất”.
Không như bộ môn nhảy dù, vận động viên bay dù lượn sẽ chủ động điều khiển hướng bay, tự do chao lượn trên không trung như chim, tận hưởng bầu không khí trong lành và cảnh đẹp kỳ vĩ. Tuy nhiên không phải lúc nào người chơi cũng thành công.
“Có những lúc thời tiết không ủng hộ, nhiễu động không khí, gió đổi hướng khiến người chơi phải hủy bỏ kế hoạch bay hoặc rơi vào tình huống nguy hiểm. Nếu không thể về được bãi hạ, du khách buộc phải đáp xuống những vị trí chưa nắm rõ địa hình khiến họ có thể gặp rủi ro hoặc chấn thương”, anh chia sẻ.
Đây không phải là môn thể thao đại trà vì ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Người chơi cần có đam mê, thời gian rèn luyện và điều kiện kinh tế tốt. Du khách muốn trải nghiệm sản phẩm du lịch này có thể chọn hình thức bay đôi cùng phi công chuyên nghiệp với mức giá 1,5-2 triệu đồng/lượt bay 10-15 phút.
Các địa điểm bay dù lượn phổ biến ở Việt Nam
Với địa hình nhiều đồi núi, Việt Nam có nhiều địa điểm thích hợp cho hoạt động bay dù lượn trải dài từ Nam ra Bắc.
Đồi Bù (Hòa Bình) là một địa điểm bay dù quen thuộc, nổi tiếng ở khu vực phía bắc. Với độ cao 833 m, sườn dốc thoải dài 1,5 km, tháng 10-12 nơi đây được nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm hoạt động bay trên cánh đồng cỏ lau bung nở trắng xóa. Từ trên tầng cao, người chơi có cơ hội tận hưởng vẻ đẹp hoang dại của núi rừng, mang đến cảm xúc phấn khích, trải nghiệm mới lạ.
Đỉnh núi bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) là nơi được nhiều du khách lựa chọn bay dù lượn chiêm ngưỡng toàn cảnh TP Đà Nẵng. Từ độ cao 700 m so với mực nước biển, nhờ những cánh diều bay cao, người chơi có thể nhìn ngắm toàn cảnh biển Đà Nẵng, chùa Linh Ứng, những cây cầu bắc qua sông Hàn… với một góc nhìn khác biệt.
Hòn Én (Nha Trang) là nơi chuẩn bị diễn ra Lễ hội Dù lượn Nha Trang lần thứ 2 được tổ chức ngày 19-25/6, dự kiến thu hút 130 vận động viên trên cả nước đến thi đấu. Khách du lịch trong nước và quốc tế cũng có cơ hội nhìn ngắm Nha Trang từ trên cao khi đăng ký bay đôi cùng huấn luyện viên tại đây.
Núi Thới Lới (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). Từ đỉnh núi Thới Lới, người chơi sẽ xuất phát từ độ cao 170 m so với mực nước biển. Những chiếc dù lượn nhiều màu sắc chao nghiêng trên bầu trời đảo Lý Sơn tạo nên một bức tranh thu hút du khách.
Núi Chứa Chan (Đồng Nai) là địa điểm bay tầm cao được nhiều phi công ở TP.HCM chọn trải nghiệm và tập luyện môn thể thao mạo hiểm này. Nhờ có hệ thống cáp treo, du khách dễ dàng di chuyển lên đỉnh. Nếu gió tốt thì dù lượn có thể bay vào 6-18h.
Ngoài ra còn một số địa điểm chơi dù lượn phổ biến ở Tri Tôn (An Giang), Hòn Hồng (Mũi Né), đỉnh đèo Khau Phạ (Yên Bái), Mường Lay (Điện Biên)…
Bay dù lượn ngày càng được nhiều địa phương quan tâm đầu tư phát triển, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cao cấp, nâng cao trải nghiệm cho du khách, thu hút thêm khách du lịch trong và ngoài nước.
|
Môn thể thao mạo hiểm thu hút nhiều khách du lịch yêu hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Le Hai Son. |
|
Từ đỉnh núi, những cánh diều nhiều màu sắc tung bay trên bầu trời như những cánh chim tự do. Ảnh: Le Hai Son. |
|
Khách du lịch trải nghiệm bay đôi cùng phi công chuyên nghiệp. Ảnh: Phi công dù lượn Nguyễn Minh Trung. |
Núi Chứa Chan là địa điểm được các vận động viên chọn đến tập luyện vì gần TP.HCM. Ảnh: Bùi Quang Hưng. |