Site icon Nơi chia sẻ kinh nghiệm du lịch

Cá voi lưng gù có nuốt người được không?

Bảng Tóm Tắt Nội Dung

Cá voi lưng gù có nuốt người được không?

Thi thoảng tai nạn hi hữu xảy ra khi con người lọt vào miệng cá voi lưng gù. Nhưng về mặt sinh học, chúng không thể nuốt chửng người.

Tháng 6, một thợ lặn bắt tôm hùm xuất hiện trên các trang tin khi kể lại sự cố bị cá voi lưng gù lùa vào miệng ở ngoài khơi Mũi Cod, Massachusetts, Mỹ. Michael Packard cho biết ông đã vật lộn trong miệng con cá 30 giây, trước khi nó trồi lên và nhả ông ra.

Dù một con cá voi có thể dễ dàng hút người vào miệng rộng đến 3 m của mình, việc nuốt họ là hoàn toàn không thể. Họng của chúng có đường kính cỡ cổ tay người, giãn hết cỡ cũng chưa đến 40 cm khi nuốt các con mồi to.

Nicola Hodgins thuộc Tổ chức Bảo tồn Cá heo và Cá voi (Anh) cho biết trong trường hợp của Packard, con cá voi chỉ vô tình để ông lọt vào miệng, và lập tức nhả ra khi nhận ra sai lầm của mình. “Ông ấy ở sai chỗ và sai thời điểm”, Hodgin nói.

Chỉ là sự cố hy hữu

Đây không phải lần đầu con người lọt vào miệng cá voi. Năm 2020, một người chèo thuyền kayak rơi vào miệng một con cá voi lưng gù ở California. Chuyện tương tự diễn ra với một nhà điều hành tour ở cảng Elizabeth, Nam Phi vào năm 2019.

Và hẳn ai cũng biết câu chuyện hư cấu Pinocchio, khi người cha bị nuốt vào bụng cá voi.

Ý tưởng cá voi nuốt người từ lâu đã là một phần truyền thuyết, và phổ biến đến nỗi nhiều người tin đây là sự thật. Trên thực tế, trong số các loài cá voi, chỉ có cá nhà táng có thể nuốt thứ có kích cỡ như con người.

Những trường hợp người lọt vào miệng cá voi gần như chắc chắn là sự cố, vì chúng ta không nằm trong thực đơn của chúng.

Trong số 90 loài cá voi được biến tới trên Trái Đất, cá nhà táng là loài duy nhất có họng đủ lớn để nuốt được con người. Loài vật dài đến 20 m này có thể ăn các con mồi lớn như mực khổng lồ, đôi khi là nuốt chửng. Trên thực tế, mực khổng lồ dài đến 17 m từng được tìm thấy trong dạ dày của cá nhà táng.Các loài cá voi có răng, như cá nhà táng, ăn những con mồi như mực và cá. Còn các loài cá voi sừng tấm như cá voi lưng gù, cá voi xanh, cá voi xám và cá voi mũi nhọn có các tấm sừng đặc biệt trong miệng, tạo thành hình răng lược thay cho răng. Chúng ăn các sinh vật như tảo, tôm và cá nhỏ bằng cách ngậm một hụm nước biển thật lớn, sau đó dùng tấm sừng như lưới lọc để giữ lại thức ăn và đẩy nước ra ngoài.

Dù về mặt sinh học thì có thể, nhưng đây là chuyện chỉ có “1 trên 1 tỷ” cơ hội xảy ra, vì hầu hết con người khó lòng gặp được cá nhà táng. Cá nhà táng sống rải rác khắp thế giới, nhưng chúng chủ yếu sống ở biển khơi, và dành phần lớn thời gian ở độ sâu 3.000 m.


Do đó, bạn không cần phải hoảng sợ khi bơi ở biển, vì cá voi không tấn công người. Thay vào đó, chúng mới là loài phải sợ, áp lực và mối đe dọa đến từ con người.
Mối đe dọa với cá voi

Con người làm tổn hại đến những loài cá voi qua việc săn bắt, làm ô nhiễm biển, phá hủy môi trường sống của chúng. Bị mắc lưới đánh cá, đụng vào thuyền… cũng là những nguy cơ với cá voi nói chung. Hoạt động du lịch vô trách nhiệm – như đến quá gần – cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cá voi.

Còn với Packard, ông trả lời tờ Cape Cod Times rằng sẽ sớm đi lặn tiếp, ngay khi vết thương – phần mềm, không ảnh hưởng đến xương – lành lại.Nếu bạn có cơ hội thấy một sinh vật khổng lồ hiền lành này, các chuyên gia khuyến khích nên làm theo hướng dẫn quan sát động vật hoang dã một cách có trách nhiệm: Cho con vật không gian lớn, ngắm nhìn từ xa (bằng ống nhòm nếu có), và tránh bất cứ hành động nào có thể khiến chúng giật mình hay hoảng sợ.

Exit mobile version