Site icon Nơi chia sẻ kinh nghiệm du lịch

Review kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Bảng Tóm Tắt Nội Dung

Hà Nội – Thủ Đô Ngàn Năm Văn Hiến

Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước, nơi lưu giữ biết bao tinh hoa của dân tộc. Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh đẹp và những món ăn nổi tiếng, người Hà Thành còn mang một dấu ấn đặc trưng riêng, đó là sự duyên dáng, thanh lịch và tinh tế trong từng câu nói, cử chỉ. Hà Nội với những di tích cổ xưa, những cảnh quan thiên nhiên trữ tình cùng nền ẩm thực tinh hoa, đặc sắc. Nếu đã từng du lịch Hà Nội 1 lần, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được không khí đặc trưng với Hồ Gươm, Hồ Tây, những con đường rợp bóng hay quán cafe trầm mặc… Chính vì lẽ đó bạn nên tới thăm Hà Nội một lần nhé, sau đây hội du lịch xin chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm du lịch Hà Nội mới nhất.

I. Một số kinh nghiệm du lịch Hà Nội nên lưu ý

II. Thời điểm nào thích hợp để du lịch Hà Nội

Thời gian để tới Hà Nội đẹp nhất là vào mùa thu, khoảng độ từ tháng 8, tháng 9, tháng 10. Trong đó lý tưởng nhất nên đến Hà Nội vào tháng 9 hay tháng 10. Vì khi này, mùa mưa ở Hà Nội thường đã kết thúc. Trời tạnh ráo, ánh nắng không quá gắt. Nhiệt độ ở mức trung bình, không khí mát mẻ. Còn nếu các bạn ưa thích không khí lạnh, có phần buốt rét, thì những tháng cuối năm như tháng 11, tháng 12 sẽ là một gợi ý không tệ để du lịch tham quan Hà Nội. Đến Hà Nội vào khoảng thời gian này, bên cạnh việc tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng, các bạn còn có thể thưởng thức nhiều món ăn đặc sản mùa đông ngon hết sảy tại nơi đây.

III. Phương tiện di chuyển 

Mình cùng với những người bạn đồng hành lựa chọn phương tiện di chuyển là máy bay.  Do là thủ đô của cả nước nên có rất nhiều chuyến bay hàng ngày từ các thành phố khác đến Hà Nội. Bạn có thể tham khảo giá vé của các hãng hàng không như: Jetstar Pacific, Vietjet Air hay Vietnam Airlines. Mình recommend các bạn ở miền Nam thì hãy nên sử máy bay cho tiện bởi vì đường đi khá là xa, còn những bạn ở miền Bắc thì có thể sử dụng dịch vụ xe khách hoặc tàu hỏa. Giá vé khứ hồi dao động từ 5-6tr tùy thời điểm ( chịu khó săn vé khuyến mãi ở Vietjet thì các bạn sẽ tiết kiệm được từ 1-2tr đấy nha ).

Lưu ý: Sân bay Nội Bài cách trung tâm thành phố khoảng 30km. Nếu đi theo nhóm đông người, các bạn có thể thuê taxi khoảng 300k/chuyến hoặc xe bus của sân bay 50k/chuyến hay đi bằng xe bus công cộng (tuyến 17, 07 và 86 về trung tâm thành phố). Nhưng nên hỏi giá trước khi đi để tránh bị chặt chém nha.

Các bạn có thể tham khảo các phương tiện sau để thuận tiện trong việc di chuyển đến các địa điểm du lịch khác nhau:

IV. Lưu trú 

Trước khi đến đây 2 ngày tụi mình đã tham khảo vào quyết định chọn homestay Nhà Của Bu. Đặt chân đến nơi đây thật sự mình rất hài lòng, không ồn ào vội vã, không xa hoa diễm lệ, homestay là một không gian nên thơ, yên bình, có cây xanh bao phủ, cảm giác vô cùng dễ chịu, view phòng đẹp miễn bàn hơn nữa chị chủ vô cùng thân thiện.

Homestay Nhà Của Bu – Hà Nội. Ảnh sưu tầm

Nhà của Bu tọa lạc tại 12A Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm. Chỉ cần bước ra khỏi ngõ homestay các bạn sẽ có mặt tại Phố Bích Họa. Giá full nhà 1tr7/ đêm, phòng 650k/1 đêm, đặt phòng liên hệ: 0983314688.

V. Địa điểm du lịch

1. Hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm là thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nội, có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ… với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu. Hồ Hoàn Kiếm là khu vực trung tâm của thủ đô Hà Nội, vì vậy các bạn có thể đến đây dễ dàng bằng phương tiện cá nhân hay phương tiện công cộng.

Hồ Hoàn Kiếm – thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh sưu tầm

Giữa lòng hồ là Tháp Rùa cổ kính, xung quanh là những di sản có ý nghĩa văn hóa- lịch sử lâu đời như Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc dẫn vào lầu Đắc Nguyệt, Đài Nghiên…  Đó là những biểu tượng làm nên nét đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến. Với không gian thoáng đãng, trong lành, nơi đây là điểm được đông đảo giới trẻ ưa thích, được các cặp đôi chọn làm nơi chụp ảnh cưới. Không chỉ thế hồ Hoàn Kiếm là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. 

2. Lăng Bác

Lăng Bác – điểm đến không thể bỏ qua ở Hà Nội. Ảnh sưu tầm

Lăng Bác chắc chắn sẽ là điểm đến mà bạn không thể bỏ qua. Nằm trên đường Hùng Vương – Điện Biên, đây là nơi lưu giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến Hà Nội ai cũng muốn được vào lăng viếng Bác một lần. Ngoài ra ở đây còn có khu Quảng trường Ba Đình là nơi Bác Hồ đã đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. 

Đến đây bạn cũng có thể thăm quan Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ rất nhiều kỷ vật về Bác. Là một địa điểm tham quan rất ý nghĩa dành cho những ai lần đầu tiên đến Hà Nội

3. Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc – ngôi chùa cổ nhất Hà Nội. Ảnh sưu tầm

Chùa Trấn Quốc nằm trên một bán đảo nhỏ phía đông của Hồ Tây. Ngôi chùa 1.500 năm tuổi được coi là cổ nhất Hà Nội mới đây đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail (Anh) bình chọn. Chùa là nơi lưu giữ những giá trị tôn giáo và lịch sử thu hút nhiều Phật tử và khách du lịch tới tham quan.

4. Nhà thờ Lớn Hà Nội

Nhà thờ Lớn nằm ở 40 phố Nhà Chung, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Về tổng thể, công trình mang phong cách kiến trúc Gothic châu Âu, nhưng vẫn có sự kết hợp với kiến trúc bản địa được thể hiện ở hệ thống mái ngói đất nung, cách trang trí nội thất đậm chất truyền thống Việt Nam. Vì thế nó chính là sản phẩm của sự giao lưu văn hóa Đông Tây hết sức đặc sắc.

Nhà thờ Lớn Hà Nội – sự giao lưu văn hóa Đông Tây. Ảnh sưu tầm

Nhà thờ Lớn Hà Nội được xem là kiến trúc nhà thờ tiêu biểu và là một trong những nhà thờ Công giáo đẹp nhất của thủ đô và cả nước. Đi du lịch Hà Nội chắc chắn du khách sẽ không thể bỏ qua địa điểm hấp dẫn này.

5. Văn miếu Quốc Tử Giám 

Được mệnh danh là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là di tích lịch sử Hà Nội nổi tiếng mà còn là nơi chứa đựng những tinh hoa của những giai đoạn lịch sử phong kiến trước kia và lưu giữ những giá trị truyền thống của đất Việt.

Văn Miếu Quốc Tử Giám – di tích lịch sử ở Hà Nội. Ảnh sưu tầm

Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức hội thơ, là nơi khen tặng những học sinh ưu tú, xuất sắc và là địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là điểm hẹn “xin chữ” của người dân Hà thành trong những ngày tết truyền thống với ước mong năm mới an lành hay trong những mùa thi quan trọng của đất nước với niềm tin đỗ đạt của các “sĩ tử”. Đặt khách sạn ở Quận Đống Đa để tiện cho việc tham quan địa điểm nổi tiếng này nhé.

6. Nhà hát Lớn

Địa chỉ Nhà hát lớn nằm số 1 Tràng Tiền, Chương Dương, Hoàn Kiếm.

Nhà Hát Lớn Hà Nội – mang nhiều dấu ấn lịch sử của Thủ đô. Ảnh sưu tầm

Nhà hát mang nhiều dấu ấn lịch sử tại trung tâm thủ đô Hà Nội này là địa điểm tổ chức những chương trình nghệ thuật lớn của nhiều ca nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu Việt Nam. Du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt vời của Nhà hát Lớn Hà Nội hay mua vé vào xem một trong những chương trình biểu diễn thường xuyên được tổ chức để có thể tận mắt thấy hết nội thất tráng lệ của nhà hát. 

7. Hồ Tây

Hồ Tây nằm ở phía Tây Bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng 500ha, đường vòng quanh hồ dài gần 20km. Nơi đây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu, là thế giới của những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ. Hồ Tây không chỉ là địa điểm vui chơi ở Hà Nội hấp dẫn du khách mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc. Vì thế lựa chọn một Khách sạn view Hồ Tây để ngắm trọn vẹn phong cảnh hồ là điều mà du khách không thể bỏ lỡ khi đặt chân tới thủ đô. Quanh hồ hiện có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng với nhiều văn vật giá trị như hơn 100 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, gần 20 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá.

Hồ Tây – địa điểm vui chơi ở Hà Nội thú vị. Ảnh sưu tầm

Người ta nói Hà Nội, không sợ lạnh vì đã có Hồ Tây! À không, thực ra cũng lạnh lắm đấy! Chỉ là có lí do khiến ta bất chấp cái lạnh ấy mà vùng khỏi chăn, lao ra đường, lượn một vòng Hồ Tây dưới thời tiết giá rét này… Phải chi một ngày đầu năm rét hại thế này, có người vì thế mà cùng ta dạo tròn một vòng Hồ Tây, hưởng trọn mấy cơn gió đầu năm lướt trên ngọn sóng mặt hồ…

8. Phố cổ Hà Nội

Phố cổ là những con đường, ngôi nhà, góc phố mang đậm phong cách kiến trúc của người Pháp ở thế kỷ XIX. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử và biến đổi của thời gian, nơi đây vẫn còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc như thuở ban đầu. Có thể nói phố cổ là linh hồn, là nét đặc trưng riêng của Hà Nội. Khách sạn phố cổ Hà Nội du khách sẽ cảm nhận được cái hồn của thủ đô cũng như nét đẹp thanh lịch của người Tràng An.

Phố cổ Hà Nội – chân dung yên bình Hà Nội xưa. Ảnh sưu tầm

9. Cầu Long Biên

Nhắc đến Hà Nội người ta liên tưởng ngay đến vẻ đẹp xưa cũ cổ kính. Và Cầu Long Biên có lẽ là nột nét vẽ góp phần làm nên dấu ấn của Hà Thành cổ xưa. Cây cầu trăm năm cứ vẹn nguyên như thế, người ta không quét sơn hay cải tạo, mà cứ để cho nắng mưa mặc sức tô vẽ trên nó những màu của thời gian, của lịch sử – cùng chứng kiến sự trưởng thành của một miền phố thị.

Cầu Long Biên – dấu ấn của Hà Thành cổ xưa. Ảnh sưu tầm

Một cây cầu thì có gì là hay? Bạn không biết đấy, cầu Long Biên đã từng là cây cầu dài nhất, đẹp nhất Đông Dương và được mệnh danh là Effiel nằm ngang của Việt Nam trong khoảng đầu thế kỉ 20. Nếu lên cầu chơi vào sáng sớm, bạn sẽ thấy nhiều người lớn tuổi trầm ngâm câu cá, thả bộ hóng gió. Lúc hoàng hôn hay khi đêm về thì cầu Long Biên lại trở thành địa điểm hẹn hò của những cô cậu Hà Thành. Tại nơi đây bạn sẽ có những bộ ảnh mang đậm màu sắc thập niên 90.

10. Nhà Hát múa rối Thăng Long

Nhà hát Múa Rối Nước Thăng Long được thành lập năm 1969 và là một trong những địa điểm biển diễn nghệ thuật múa rối nước nổi tiếng nhất Việt Nam. Trong không gian văn hóa dân tộc, những câu chuyện cổ tích và truyền thuyết lịch sử được tái hiện bằng những con rối gỗ trên mặt nước vô cùng đặc sắc và sống động. Đây là điểm đến thú vị và không thể bỏ qua đối với những du khách đến thăm Hà Nội và đặc biệt nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ, chắc chắn các bé sẽ rất thích thú khi được xem những màn trình diễn rối nước vui nhộn và hấp dẫn. Không chỉ thu hút khách trong nước, nhà hát múa rối Thăng Long còn là địa điểm du lịch cho khách nước ngoài – những người muốn tìm hiểu văn hóa và các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. 

Buổi biểu diễn gây ấn tượng với khán giả ngay từ những phút đầu tiên khi nền nhạc dân tộc vang lên từ phím đàn của các nhạc công trình diễn. Các nhân vật rối gỗ đầy màu sắc lần lượt xuất hiện từ dưới nước trong những câu chuyện và trò chơi dân gian, đưa người xem từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, cảm giác rất vui và hào hứng.

Lưu ý: bạn nên đến tận nơi, mua vé trước vì những các chương trình hết vé rất nhanh. Và nếu mua vé sớm bạn có thể yêu cầu vị trí ghế đầu ngay trước sân khấu hoặc hàng giữa để được theo dõi trọn vẹn buổi biểu diễn, tuy nhiên đây cũng là vị trí mà bạn rất dễ bị văng nước đấy. Ngoài ra, nhà hát quy định bạn không được quay phim chụp ảnh trong suốt buổi biểu diễn, nếu muốn bạn hãy đăng kí với ban tổ chức – với máy ảnh thì phụ thu 20k và máy quay phim là 60k.

VI. Ăn gì ở Hà Nội 

1. Phở Bát Đàn – 49 Bát Đàn

Phở Bát Đàn – 49 Bát Đàn – Hà Nội. Ảnh sưu tầm

Khi đến Hà Nội, bất kỳ ai cũng muốn thưởng thức phở, thứ quà sáng hội tụ đầy đủ tinh hoa ẩm thực Việt xứ Bắc. Một trong những quán phở ngon Hà Nội thì phải nói đến phở Gia Truyền – Phở Bát Đàn, trải qua mấy chục năm nay nhưng phở Bát Đàn vẫn chưa một ngày vắng khách.

Ở đây giờ cao điểm không có người phục vụ bưng bê tận nơi. Ai đến lượt thì được gọi đồ, trả tiền và tự nhận lấy “phần thưởng” là tô phở bò đậm chất truyền thống với nước dùng trong veo, thơm phức, miếng thịt bò tươi hồng, mềm mịn. Điểm đặc biệt là phở Bát Đàn không dùng gia vị hay mì chính mà chỉ nấu đơn thuần bằng xương với nước mắm. Theo thời gian, quán vẫn nườm nượp các lượt khách và hàng ngày từng đoàn người vẫn đứng xếp hàng chờ để thưởng thức hương vị phở. Không gian quán chật hẹp, mọi thứ đều cũ kĩ cổ xưa, tất cả dường như không thay đổi. Có lẽ, người Hà Nội đến đây đông để tìm lại một chút hương vị Hà Nội xưa còn vương vấn nơi góc quán nhỏ.

2. Bún ốc cô Huệ – 43 Nguyễn Siêu

Trải qua hơn 30 năm, từ gánh bún rong đến một góc quán nhỏ ở Nguyễn Siêu, cô Huệ vẫn tận tụy giữ gìn một nét tinh hoa ẩm thực giữa cuộc sống tấp nập nơi đô thị phồn hoa.

Bún ốc cô Huệ – 43 Nguyễn Siêu. Ảnh sưu tầm

Bún ốc cô Huệ có 2 món chính là bún ốc nóng và bún ốc nguội. Bát nhiều bún, ốc đầy đủ loại to nhỏ, khách có thể yêu cầu các loại ốc theo nhu cầu. Bát bún nóng thì đúng chất truyền thống, chỉ mộc mạc mỗi thịt ốc, cà chua và rau thơm. Nước dùng vị chua dịu của cà chua quyện với nước ốc rất thanh. Còn bún ốc nguội, nước chấm được đựng riêng trong cái chum da lươn, được nấu từ nước luộc ốc, xương ninh với dấm bỗng và ớt chưng. Khi đến ăn, xin cà chua hay cần nhiều rau trần, cô cho thêm thoải mái. Một bát bún cô Huệ có giá 30 ngàn đồng, ăn buổi sáng mà no đến tận chiều.

3. Mỳ vằn thắn Bình Tây – 54 Hàng Chiếu

Bát mỳ vằn thắn gồm có mỳ, vằn thắn (hay còn gọi là sủi cảo). Sợi mỳ được làm từ bột, trứng sau đó cán mỏng nên sợi vừa dai, giòn và thơm, lại giữ được màu vàng ươm bắt mắt. Vằn thắn có nhân là tôm tươi giã nhỏ, nấm hương và thịt, được gói trong một lớp bột mỳ cán mỏng. Ngoài ra còn có thêm thịt xá xíu, nấm hương, một miếng trứng luộc, miếng bóng, rau cải, hẹ và tôm tươi đã bóc vỏ.

Mỳ vằn thắn Bình Tây – 54 Hàng Chiếu. Ảnh sưu tầm

Nước dùng được ninh từ xương gà, xương lợn, cá tầm khô, một số vị thuốc bắc và vỏ tôm. Nước dùng ở đây ngon, ngọt đậm vị, và nước dùng không nêm mì chính để không át hương liệu trong nồi nước dùng.

4. Bún chả Hàng Quạt

Bún chả là món ăn giản dị, quen thuộc của mọi gia đình miền Bắc bởi nó dễ làm, chỉ cần bún, thịt nướng và nước chấm là có ngay món bún chả thơm ngon. Nhưng để ướp, nướng được một thịt ngon và pha nước chấm mặn ngọt chuẩn vị Bắc thì đó là cả 1 nghệ thuật.

Quán bún chả ở ngõ 74 Hàng Quạt. Ảnh sưu tầm

Quán bún chả Hàng Quạt ở ngõ 74 Hàng Quạt ra đời từ rất lâu và lúc nào cũng đông khách. Bún chả ở đây nổi tiếng do thịt được nướng rất khéo nhất là chả viên. Miếng chả nhỏ, nướng cháy xém bên ngoài nên ăn có mùi thơm nồng rất thích, bên trong thịt lại mềm, đượm hương vị tẩm ướp cẩn thận. Một suất bún ở đây có giá 30 – 35 ngàn, được cho rất nhiều chả và thịt, đôi khi bạn cũng không thể ăn hết nữa đấy.

5. Bún thang Bà Đức – 48 Cầu Gỗ

Người dân ở Hà Nội không ai là không biết bún thang – bát bún quen thuộc của Thủ đô. Quán bún thang Bà Đức nằm trên tầng 2 trên nhà, được trang trí, đơn giản, có điều hòa nên thực khách có thể thoải mái thưởng thức tô bún thơm ngon. Bún thang có đầy đủ các nguyên liệu: giò, trứng thái nhỏ, gà xé nhỏ, củ cải, rau răm, nấm, mắm tôm nếu yêu cầu.

Bún thang Bà Đức – 48 Cầu Gỗ. Ảnh sưu tầm

Mọi nguyên liệu đều được thái nhỏ, rất kì công tỉ mỉ, được trình bày đẹp mắt cùng với nước chan thơm ngon, ngọt thanh mà ăn không bị ngán. Mọi người khi ăn bún thường gọi thêm quẩy để ăn thêm. Giá 1 bát bún dao động từ 30 đến 55 ngàn đồng tùy theo yêu cầu.

6. Bún ngan và chả ngan nướng ở vỉa hè phố Hàng Bông (gần ngã tư Phủ Doãn)

Nói đến bún ngan thì bạn hãy qua quán Hiền, quán ngay vỉa hè, ở số 75 Hàng Bông, gần ngã tư Phủ Doãn để thưởng thức tô bún thơm ngon, đậm vị. Nước dùng được ninh kĩ nên khá ngọt. Ngan nướng thơm đậm dùng với nước mắm ớt tỏi, nước chấm được cô chủ pha đặc biệt nên không giống với bất kỳ quán nào. Quán có món canh măng thơm ngọt là đặc sản nổi tiếng của quán. Khi ăn kèm chả ngan với bún, bạn nên gọi thêm bát canh măng nếu bạn chưa thấy no bụng.

Bún ngan và chả ngan nướng ở vỉa hè phố Hàng Bông. Ảnh sưu tầm

7. Phở bưng – Số 1 Hàng Trống

Đúng như cái tên của quán, quán không sắm bàn, chỉ có ghế nhựa, khách đến đây ăn một tay bưng bát, một tay cầm đũa thưởng thức bát phở thơm ngon. Phở ở đây nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, đậm đà, nước dùng ngọt thanh, thơm phức, bánh phở dẻo và đặc biệt là quẩy luôn giòn, chấm ăn cùng nước chấm thì ngon tuyệt.

Phở bưng – Số 1 Hàng Trống. Ảnh sưu tầm

Bát phở bưng đầy thịt, thịt được thái lát mỏng. Có lẽ do vị ngon đặc biệt đó mà thực khách chẳng ngại khổ, đến ngồi góc vỉa hè ăn. Quán luôn đông khách từ lúc mở cửa đến lúc đóng cửa, giờ cao điểm khách còn phải xếp hàng. Giá 1 bát phở là 25 ngàn đồng, giá phải chăng, phù hợp để có 1 tô phở ngon.

8. Cháo trai Trần Xuân Soạn

Cháo trai là món khá quen thuộc, bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu ở Hà Nội nhưng không phải ở đâu cũng tìm được món cháo thơm ngon sánh mịn và những con trai béo như ở đây. Đây là quán cháo trai nổi tiếng với tuổi đời hơn 30 năm với lượng khách đông đúc mỗi ngày. 

Cháo hạt ninh nhừ, sánh đặc, nhiều trai, nêm gia vị vừa miệng, hành phi thơm, có quẩy giòn ăn kèm. Quán phục vụ nhanh và chuyên nghiệp. Có lẽ do chất lượng cháo và phong cánh phục vụ mà quán luôn hút khách. Một tô cháo có gái 30.000. Mặc dù giá có đắt hơn các quán khác nhưng vẫn được thực khách lựa chọn và ủng hộ nhiệt tình.

9. Bánh mì sốt vang 252 Hàng Bông

Bánh mì là món ăn ngon của Hà Nội, đã được bạn bè quốc tế công nhận là món ăn đường phố tuyệt vời. Nói đến bánh mì thì nhất định phải đến quán bánh mì sốt vang ở Hàng Bông – đây là một trong những quán ngon còn sót lại cho đến bây giờ. 

Bánh mì sốt vang 252 Hàng Bông. Ảnh sưu tầm

Sốt vang được nấu vừa miệng, thịt bò dùng để làm sốt vang chính là giẻ sườn và cho thêm chút gân bò, thịt bò mềm và sốt có rất nhiều thịt. Nước sốt sánh mịn ăn cùng bánh mì nóng giòn, vàng ươm thì thật tuyệt vời.

10. Phở gà trộn số 47 Mã Mây

Quán ăn gây nghiện cho bao thực khách bởi bánh phở mềm dai, thịt gà dai ngọt. Đặc biệt là nhờ hương vị nước sốt tôn lên với cái vị chua chua ngọt ngọt, nước có màu nâu nóng, hơi sánh, đậm đà vị nước tương pha chút ớt băm làm quyện lên hương vị phở gà. 

Bát phở trộn có thịt gà xé nhỏ bên trên, có hành khô, lạc và đậu nành, sau đó rưới nước dùng lên trên trộn đều và ăn. Quán còn có món súp gà thơm ngon đặc biệt. Phờ trộn có gái 30.000 đồng một, giá cả phù hợp để thưởng thức.

11. Nộm bò khô phố Hồ Hoàn Kiếm

Đĩa nộm ở đây khá đầy đặn, nộm thập cẩm có bò khô miếng, thịt xíu, gân bò, gan, phổi, đu đủ nạo sợi và rau thơm. Nộm ăn giòn tươi, nước nộm chua ngọt vừa dịu, điểm thêm ít rau thơm và chút lạc rang giã nhỏ bùi bùi là trọn vẹn đĩa nộm ngon hấp dẫn. Quán nhỏ nên vào lúc cao điểm thì khách ngồi vỉa hè. Ngoài ra quán còn có bánh bột lọc, nem cuốn…

Nộm bò khô phố Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh sưu tầm

12. Nem chua nướng số 10 Ấu Triệu

Vào mỗi buổi tan tầm, thực khách lại tìm đến con phố nhỏ Ấu Triệu để thưởng thức đĩa nem chua nướng nóng hổi thơm ngon. Quán mở cửa từ 14h đến 0h, tuy được gọi là quán nhưng bàn ăn ở đây là những chiếc khay đặt trên ghế. Nem chua nướng ở đây đặc biệt bởi nem nướng lên vẫn giữ được màu hồng tươi của thịt cùng với một chất keo dính bao bọc bên ngoài.

Khi cầm xiên nem chua nướng, ăn vào 1 miếng, vị thơm của thịt quyện cùng nước chấm sẽ cho ta cảm giác muốn ăn mãi. Khi ăn nem thì thường ăn cùng đĩa củ đậu hay đĩa xoài xanh cho đỡ ngán. Ngoài ra còn có các món nướng khác như: cá chỉ vàng, cá bò hay mực nướng…

13. Chè xoài Nguyễn Trường Tộ

Chè xoài là món có thể quên, có thể lạ với nhiều người. Nếu ai đã ăn và thích vị thanh ngọt của món chè lạ thì đều tìm đến hàng chè đông khách nhất Hà Nội ở phố Nguyễn Trường Tộ. Xoài được cắt miếng, đem nấu đông cùng rau câu rồi để ra bát nhỏ. Tiếp đến cho một lớp kem trộn sữa lên bề mặt. Khi ăn thực khách sẽ thấy vị béo ngậy của sữa, vị thanh của xoài. Một người có thể ăn 2, 3 bát mà không chán. Một bát chè xoài có giá 8 ngàn đồng, khá rẻ cho một bát chè ngon. Quán còn có menu đa dạng: caramel, sữa chua,…

14. Miến gà Hàng Buồm

Trên con phố Hàng Buồm vốn chật chội, xô bồ có hàng miến gà lúc nào cũng nườm nượp khách. Gà ở đây ngon, ngọt vị, nước dùng được chế biến đậm vị quyện với mùi thơm của rau thơm là điểm hút khách đến ăn. Hàng ngày thực khách vẫn kéo đến thưởng thức bát miến gà thơm ngon nơi phố cổ chật chội.

Miến gà Hàng Buồm. Ảnh sưu tầm

Exit mobile version