Sun Group lập hãng hàng không mới
Hãng hàng không của Sun Group vừa được cấp giấy phép kinh doanh, đặt mục tiêu thành hãng cung cấp chuyên cơ toàn cầu.
Ngày 2/3, Bộ Giao thông Vận tải vừa cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Sun Air, hãng hàng không trực thuộc Sun Group.
- Sun World – Hạ Long điểm vui chơi hấp dẫn dành cho mọi lứa tuổi trong mùa hè này
- Top 5 group du lịch nổi tiếng nhất mạng xã hội Việt Nam năm 2021
- Top các Group Du Lịch có nhiều thành viên nhất Việt Nam 2022
- Trải nghiệm cáp treo chinh phục nóc nhà Đông Dương ở Sun World Fansipan Legend
- Các hãng hàng không chết yểu tại Việt Nam
Theo lộ trình, từ quý III, hãng sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, hãng dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, một trực thăng và hai thuỷ phi cơ.
Hãng hướng tới nhóm khách hàng thượng lưu có khả năng chi trả cao như các doanh nhân, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đi giao dịch công tác, khảo sát dự án, chữa bệnh, tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng. Hãng hàng không của Sun Group cũng đặt mục tiêu trở thành hãng cung cấp chuyên cơ toàn cầu, sử dụng các loại tàu bay tốc độ nhất thế giới.
Về phương án kinh doanh và phát triển sản phẩm, trong hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, Sun Air xác định rõ khách hàng mục tiêu là khách có nhu cầu sử dụng máy bay cá nhân bao gồm: lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách VIP, khách có khả năng chi trả cao, khách hàng là thành viên của Tập đoàn Sun Group.
Thị trường mục tiêu của Sun Air sẽ là Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thời gian tới, khi thị trường vận tải hàng không dần được phục hồi sau dịch bệnh, nhu cầu đi lại, đặc biệt bằng các chuyến bay riêng nhằm tiết kiệm thời gian, bảo vệ sức khỏe, duy trì giao thương cũng như hưởng thụ cuộc sống sẽ tăng cao.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty tư vấn hàng không ARGUS International, hàng không tư nhân phục hồi nhanh hơn nhiều ngành, trong đó du lịch bằng máy bay tư nhân tăng trưởng cao hơn 15% so với thời điểm trước đại dịch.
Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 6 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines. Ngoài ra còn có 4 đơn vị có giấy phép kinh doanh hàng không chung là Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Hàng không Hành tinh xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu.
Trong tương lai, Sun Air dự kiến sẽ khai thác thêm các máy bay phản lực thương gia siêu lớn và siêu xa (như Boeing BBJ và Airbus ACJ).
Trước đó, trên cơ sở thẩm định của Cục Hàng không, ngày 14/2, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép bộ này cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty TNHH Sun Air.
Bộ GTVT đánh giá Sun Air chọn sân bay Vân Đồn làm sân bay căn cứ và đỗ máy bay qua đêm cho đội máy bay của hãng là phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không và không gây áp lực lên vị trí đỗ máy bay, cơ sở hạ tầng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.