Thạch Động – Nơi truyền thuyết bắt đầu
Thành phố Hà Tiên nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, là vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng Sông Cửu Long và cũng là nơi non nước hữu tình để các thi sĩ của Tao đàn Chiêu Anh Các cho ra đời “Hà Tiên thập vịnh“, phát họa lại vẻ đẹp sắc sảo của mười danh lam, thắng cảnh Hà Tiên.
Ở bài viết này, Hoidulich.net sẽ giới thiệu đến các bạn một đại cảnh trong “Hà Tiên thập vịnh“, đó là “Thạch Động”, nơi mà bất cứ du khách nào khi đến Hà Tiên đều muốn ghé thăm một lần.
Thạch Động là một núi đá khổng lồ, đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy. Nó thuộc xã Mỹ Đức, nằm cách trung tâm thị xã Hà Tiên 4km về phía Nam và 3km về phía Tây là cửa khẩu Việt Nam – Campuchia.
Nó được công nhận di tích lịch sử – văn hóa vào ngày 21 – 1 – 1989, là một trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên còn lưu giữ được nét đẹp từ xa xưa và phát triển đến ngày nay.
Không quá khi nói rằng Thạch Động là kiệt tác của thiên nhiên, bởi bên trong động có rất nhiều thạch nhũ với hình thù lạ mắt tuỳ theo trí tưởng tượng của từng người. Ví như: hình Phật bà Quan Âm, hình chiếc rìu, hình dáng một người con gái. Từ đó mà hình thành nên “Sự tích Thạch Sanh” mà chúng ta được nghe bao đời nay.
“Động đá nuốt mây
Xanh xanh ngợn đá chạm thiên hà
Động bích long lanh ngọc chói loà
Chẳng hẹn, khói mây thường lẩn khuất
Không ngăn cây cỏ mọc la đà”
Tuy hang động chỉ cao 10m, không đến mức có thể chạm đến mây xanh, nhưng do nhìn ở nhiều góc độ, đôi khi ta có thể tưởng tượng như những đám mây khi bay qua đây đều chầm chậm nán lại vài giây, thậm chí là có khi ta thấy chúng tà tà hạ xuống rồi bay vào cửa hang giống như hang động đang nuốt mây vậy.
Ở bên trái cổng Thạch Động, chúng ta sẽ nhìn thấy một bia đá, mọi người đừng vội đi qua mà hãy dừng chân giây lát để đọc hết những dòng chữ trên đó:
Bia căm thù
Ngày 14- 3 – 1978
Tại xã Mỹ Đức
Bọn diệt chủng PônPốt
Đã tàn sát 130 người.
Tấm bia đá ấy là minh chứng cho những thương đau, mất mát của chiến tranh ngay tại nơi này và cũng là niềm kiêu hãnh của dân ta trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 1977-1978.
Để đến được cửa động, chúng ta phải đi bộ qua hơn 50 bậc thang đá. Bởi Thạch Động vừa sâu vừa rộng, lại chia ra rất nhiều ngóc ngách nên khi bước chân vào động, ta sẽ lập tức cảm nhận được không khí mát lạnh và ánh sáng mờ mờ huyền ảo.
Bên trong động có ba cửa hang nhỏ thông lên cao. Trong đó cửa hang ở phía Đông là nơi thông thiên, mỗi khi ánh sáng rọi xuống, mọi người thường gọi đó là đường lên trời. Tương truyền ngày xưa Đại bàng tinh đã bắt công chúa Nguyệt Nga thả vào động từ cửa hang này và Thạch Sanh đã theo miệng hang này vào cứu công chúa.
Trong động còn có một cửa nhỏ thông xuống lòng đất. Truyền rằng: ở thời tổng Trấn Mạc Thiên Tích đã phát hiện ra 1 hố sâu trong động, khi ông cho quân lính xuống dò đường thì người đó càng đi càng sâu, không thấy điểm cuối mà lại nghe tiếng sóng biển càng lớn nên bèn lo sợ quay trở lên. Sau, dân chúng hiếu kỳ thả những trái dừa khô có đánh ký hiệu xuống và sau đó chúng được người dân nhìn thấy ở bờ biển Mũi Nai và vịnh Thái Lan.
Thế nên có thể xác định rằng hố sâu đó thông với vùng biển bên ngoài và hiện nay để đảm bảo an toàn cho mọi người thì miệng hố đã được xây tường cao bao bọc xung quanh lại. Đây cũng là nơi mà dân gian đồn đại là đường xuống Thuỷ cung trong tích Thạch Sanh.
Bên cạnh động là cây cổ thụ to lớn đã bầu bạn cùng Thạch Động từ bấy đến nay. Xung quanh động cũng là nơi hàng trăm cây cối bén rễ và sinh sôi.
Đứng trên các cửa hang, chúng ta có thể cảm nhận bầu không khí mát mẻ của nơi này và chiêm ngưỡng được vẻ đẹp toàn cảnh Hà Tiên. Phóng tầm mắt ra xa chút, ta còn có thể nhìn thấy các xóm làng của xứ bạn Campuchia.
Quả là tuyệt vời khi có thể gom hết khung cảnh tươi đẹp của ruộng đồng, sự yên bình của xóm làng và nét đẹp thơ mộng của tàu thuyền trên nền xanh lả lướt của biển Vịnh Thái Lan,… vào tầm mắt và lưu giữ khoảnh khắc quý giá ấy vào khung hình của mình phải không nào?!
Và ở một nơi có nhiều sự tích huyền ảo như thế này, thì việc giữa lòng động xuất hiện một ngôi chùa cũng không có gì là bất ngờ.
Tiên Sơn Tự được xây dựng bằng gỗ và lợp ngói vào đầu thế kỷ XIX, sau đó được tu sửa hoàn thiện như ngày nay vào thế kỷ XX bởi vị Thiền sư Quý Quảng Sĩ Thượng Thiên Hạ Học.
Cửa chùa cũng là cửa chính của Thạch Động, hai bên có đôi liễn lớn bằng chữ Hán:
“Thạch thượng linh kỳ lưu ngọc dạ.”
“Đông trung tinh địa cấp kim tiên.”
Khi đến nơi này, các bạn đừng quên nhìn ngắm kiến trúc cổ xưa của ngôi chùa này và thành tâm thắp vài nén nhang cho các vị thần phật ước nguyện bình an, hạnh phúc nhé!
Trải qua bao năm tháng, có nhiều nơi trong Hà Tiên thập cảnh đã không còn lưu giữ được nét đẹp vốn có, di tích Thạch động may mắn là một trong số ít thắng cảnh vẫn còn vẹn nguyên. Thế nên nếu có dịp nào đó đến thăm Hà Tiên, các bạn đừng quên khám phá Thạch Động – Nơi truyền thuyết bắt đầu để được tận mắt ngắm nhìn, tận tai nghe kể về những tích xưa của nơi này nhé!