Site icon Nơi chia sẻ kinh nghiệm du lịch

Chư Đăng Ya ngọn núi lửa yêu kiều

Chư Đăng Ya ngọn núi lửa yêu kiều

Chư Đăng Ya là một núi lửa đã tắt, thuộc địa phận xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Nếu như núi Hàm Rồng từ lâu đã là biểu tượng của phố núi Pleiku thì Chư Đăng Ya lại mới được biết tới một cách rộng rãi hai năm trở lại đây – qua Lễ hội Hoa dã quỳ, tổ chức lần đầu vào tháng 11 năm 2017 và lần thứ hai vào ngày 10-13 tháng 11 năm 2018 vừa qua.

Tin Liên Quan : 

Cũng chính bởi thế mà khi ra mắt, Chư Đăng Ya đã khiến đông đảo du khách phải trầm trồ, yêu mến ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ đẹp mộc mạc mà quyến rũ lạ kỳ.

Chư Đăng Ya yêu kiều

Cách thành phố Pleiku chưa đến 30km về phía đông bắc, không giống như đặc trưng của các núi lửa thường đứng một mình, Chư Đăng Ya nằm ngay sát khối núi Chư Nâm bạt ngàn xanh ngút.

Đường đến đây rất dễ, toàn đường bằng phẳng cả, ô tô hay xe máy đều đi tốt. Có điều cần chú ý chút là đoạn đường vào gần khu vực núi lửa còn là đường đất nên mùa khô đi sẽ có bụi, mùa mưa cẩn thận đề phòng trơn.

Chư Đăng Ya là một núi lửa thấp và dễ tiếp cận. Như người thiếu nữ của núi rừng, vừa hoang sơ vừa e ấp mà đẹp quyến rũ nồng nàn, du khách đến với núi lửa Chư Đăng Ya có thể thả mình vào không gian ngập tràn nắng và gió của đại ngàn cao nguyên.

Đồng bào dân tộc trên đây chủ yếu là người J’rai, họ đã canh tác thuần thục trên triền núi và cả trong lòng chảo của miệng núi lửa này.

Trong lòng núi lửa Chư Đăng Ya

Nguồn đất bazan từ núi lửa đã mang lại những lớp đất đỏ màu mỡ, cây trồng phát triển xanh tốt, mượt mà. Các bạn có thể leo đến đỉnh miệng núi lửa trong tầm khoảng 30 phút và đường dễ đi vì không hề có cây to hay bụi rậm, đã có đường mòn sẵn. Triền núi phía dân thường trồng cây dong riềng, thậm chí có đoạn đã có bậc đá sẵn để du khách dễ bề lên xuống.

Đường lên núi lửa

Bốn bề triền núi lên tới đỉnh và cả trong lòng chảo miệng núi, vào mùa mưa, du khách sẽ thấy bạt ngàn màu xanh của những luống khoai lang, có vụ sẽ là ngô và tầm tháng 9 sẽ là mùa dong riềng đẹp mênh mang, bát ngát.

Tuy nhiên, thời điểm mà Chư Đăng Ya đẹp nhất, sặc sỡ và rạng ngời nhất đó chính là mùa hoa dã quỳ khoảng tháng 11 hàng năm. Dã quỳ dường như đã là loài hoa đặc trưng của vùng Tây Nguyên nắng gió. Trên khắp các nẻo đường Gia Lai vào tháng 11, hoa dã quỳ nở rộ mọi nơi.

Và trên núi lửa Chư Đăng Ya, màu hoa vàng cũng trải khắp trên triền núi, rạng ngời các nẻo đường đi. Từ chân núi lên tới miệng núi lửa, khắp nơi là màu vàng rực rỡ của ngàn vạn bông dã quỳ vươn mình trong gió – một màu vàng rực rỡ như nắng trời cao nguyên.

Chư Đăng Ya mùa lễ hội Hoa dã quỳ

Từ trên cao, du khách sẽ tìm thấy cho mình cảm giác tự do, khoáng đạt giữa bao la đất trời nồng nàn nắng gió. Quang cảnh từ trên núi cao nhìn xuống mở ra trước mắt người lữ khách bạt ngàn những khoảng ruộng lúa tươi xanh, những triền núi chói chang ánh nắng hay phía xa là long lanh màu nước sông hồ.

 Ngoài những cánh hoa dã quỳ vàng rực kiêu hãnh giữa trời Tây Nguyên, du khách còn được ngắm nhìn vẻ đẹp dịu dàng, mượt mà của lớp lớp những bông cỏ sâu cũng đang vào mùa rộ. Vẻ đẹp mộc mạc, nhẹ nhàng của những triền đồi cỏ sâu reo vui trong gió ngàn càng tô điểm thêm cho khung cảnh Chư Đăng Ya một nét trữ tình hiếm có.

Khung cảnh trữ tình từ triền núi Chư Đăng Ya

Du khách có thể đến thăm núi lửa Chư Đăng Ya bất kỳ mùa nào trong năm nhưng đẹp nhất vẫn là mùa hoa dã quỳ lung linh, rực rỡ. Loài cúc dại yêu kiều này nở trên vùng Tây Nguyên tầm từ đầu tháng 10 đến tháng 12 dương lịch. Tuy nhiên rực rỡ nhất thường tầm giữa tháng 11 hàng năm.

Đây cũng là thời điểm mà tỉnh Gia Lai lựa chọn để tổ chức Lễ hội Hoa dã quỳ núi lửa Chư Đăng Ya – một hoạt động du lịch được coi là quy mô nhất được tổ chức thường niên của tỉnh trong hai năm vừa qua.

Quang cảnh Lễ hội Hoa dã quỳ 2018

Lễ hội quy tụ gian hàng của tất cả các xã trong địa bàn huyện Chư Păh, giới thiệu và bày bán các đặc sản của người dân tộc địa phương như rượu cần, mật ong, tiêu rừng, nấm linh chi rừng, các loại củ sâm,… và các mặt hàng thổ cẩm dệt tay kỳ công hay những chiếc gùi tre mộc mạc.

Văn hóa ẩm thực cũng được giới thiệu và phục vụ du khách với những món ăn truyền thống núi rừng như gà nướng, cơm lam, thịt nướng, rượu cần… Du khách cũng được xem nghệ nhân tạc tượng nhà mồ, buổi tối còn có lửa trại và diễn tấu cồng chiêng quanh cột Gơng trước nhà rông cao vút.

Diễn tấu cồng chiêng

Một điểm thú vị là du khách có thể thoải mái thưởng thức những ghè rượu cần thứ thiệt, được chính tay những người đồng bào dân tộc J’rai ủ và mang tới bày giữa sân để mọi người cùng xúm quanh thưởng thức miễn phí. Bạn cũng thoải mái nhón một miếng gà nướng nho nhỏ hoặc một lát xoài ương được bày sẵn bên ghè rượu.

Hay có thể mua một chiếc chuông gió bằng tre vốn chỉ trưng bày chứ không bán từ chính tay một nghệ nhân dân tộc với giá đặc biệt hữu tình. Nét hào sảng của đồng bào Tây Nguyên vẫn luôn đốn lòng du khách từ những điều thương yêu bình dị như thế.

Du khách nếm thử rượu cần

Nếu đến Chư Đăng Ya ngày thường, các bạn cứ việc chạy thẳng xe máy tới sát chân núi và yên tâm để xe đó mà leo lên khám phá khắp nơi. Còn đi vào mùa Lễ hội Hoa dã quỳ, các bạn sẽ phải ngạc nhiên vì lượng khách tấp nập không ngớt khác hẳn với vẻ yên tĩnh ngày thường.

Lễ hội mời gọi tất cả mọi du khách, các bạn nếu đi xe máy thì chỉ cần gửi xe ở khu quy hoạch với rất nhiều điểm giữ xe, mức giá 10 ngàn đồng một lượt. Du khách thường đến thăm núi hoặc tham gia lễ hội trong ngày, vì khu vực này còn thưa dân và không có điểm kinh doanh lưu trú.

Khi không thể khước từ sức hút mãnh liệt của cao nguyên đại ngàn vẫy gọi, hãy một lần đến với lòng núi Chư Đăng Ya – để biết được Tây Nguyên còn những nét đẹp hoang sơ và rực rỡ – như những cánh hoa dã quỳ vàng ươm đầy kiêu hãnh trải khắp núi rừng nơi đây, bạn nhé!

Exit mobile version