Lạc vào đế chế cổ xưa ở Campuchia
Với những cây cầu cổ kính, ngôi đền ít người biết, con đường hoàng gia phía đông đưa nữ du khách Mỹ lạc về thời kỳ hoàng kim của đế chế Khmer.
7h, nữ du khách Mỹ Robin Cherry rời khách sạn Raffles Grand Hotel d’Angkor, nơi từng đón tiếp đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy trong chuyến thăm năm 1967, để gặp hướng dẫn viên du lịch Pheakdey “Dey” Sieng. Cô đến Sieam Reap để khám phá con đường hoàng gia phía đông (East Royal Road), tuyến đường dài 100 km nối các ngôi đền cổ như Angkor Wat, Beng Mealea và Preah Khan Kompong Svay.
Robin bắt đầu hành trình trên chiếc xe tải nhỏ rồi sau đó chuyển sang ngồi xe máy địa hình vào đúng ngày sinh nhật của mình.
Đế quốc Khmer từng trải dài trên phần lớn lãnh thổ Đông Nam Á từ năm 801 tới năm 1400 trước khi biến mất đột ngột. Tạp chí khoa học Livescience khẳng định đây là một trong những nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người trước khi suy vong. Ngoài những ngôi đền, đế quốc Khmer còn nổi tiếng với hệ thống đường bộ dài 3.000 km trải dài từ kinh đô cũ Angkor đến những vùng xa xôi.
Người Khmer có năm con đường hoàng gia nối thủ đô với các thành phố trực thuộc tỉnh. Đường hoàng gia phía đông ngày nay giữ được nguyên vẹn cơ sở hạ tầng (gồm cầu, ao, tường và bờ kè) và những ngôi đền nhỏ dành cho người hành hương tá túc ăn uống, nghỉ ngơi. Các ngôi đền này không được tìm thấy ở các con đường hoàng gia khác.
Con đường hoàng gia phía đông từng được sử dụng để vận chuyển đá xây dựng các ngôi đền của người Khmer và sắt chế tạo vũ khí. Người Khmer nổi tiếng với hệ thống thủy lợi phức tạp. Ngày nay, du khách có thể tìm thấy trên con đường này những cây cầu đá ong cổ bắc qua sông suối.
Lạc vào đế chế cổ xưa ở Campuchia 2024
Theo Robin, tuyến đường này được ví như chuyến đi trở về quá khứ, dành cho những người thích đi xe máy địa hình cũng như những tín đồ đam mê đền, chùa. Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã ký quyết định đề cử hai ngôi đền Beng Mealea và Preah Khan vào danh sách Di sản Thế giới UNESCO. Robin tin rằng sự quan tâm đến các địa điểm này trong những năm tới ngày càng tăng. Đó là lý do cô quyết định đến đây từ bây giờ, khi chúng còn chưa nổi tiếng và ít khách qua lại.
Điểm trừ duy nhất trong chuyến đi là cái nóng “như thiêu đốt” vào tháng 4. Trong các website giới thiệu du lịch, nhiều người khuyên tránh đến Campuchia vào tháng này vì thời tiết được ví như “nóng hơn ở địa ngục”. Thời điểm nữ du khách Mỹ ghé thăm nơi đây xảy vừa ra đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ lên đến 40 độ C.
Theo kế hoạch, hướng dẫn viên đưa Robin đến thăm đền Preah Khan rồi ghé đền Beng Mealea và quay lại Siem Reap. Họ sẽ đến Angkor Wat vào một ngày khác. Điểm dừng chân đầu tiên của cả hai trong chuyến đi là Kampong Kdei, cầu dài 86m với 21 trụ đỡ hình mái vòm. Cầu có tuổi đời gần 1.000 năm, nằm trên quốc lộ 6 – con đường huyết mạch dẫn vào thành phố Siem Reap. Cây cầu này còn xuất hiện trên tờ 5.000 Riel (1,2 USD) của Campuchia.
“Chào mừng đến con đường massage miễn phí”, Dey nói đùa với Robin khi họ bắt đầu rẽ vào con đường đất gập ghềnh. Trên suốt quãng đường, Robin không có cảm giác được massage, cô liên tục thấy mình “như đang rơi từ cửa sổ tầng hai” xuống. Dù vậy, Robin vẫn nhanh chóng bị thu hút bởi vẻ đẹp đồng quê yên bình đang hiện ra trước mắt. Một con bê đang thong thả băng qua con đường bụi bặm cùng bò mẹ, những đứa trẻ đang mỉm cười và vẫy tay với hai vị khách đang ngồi xe. Dey nói dân làng ở đây sống chủ yếu dựa vào trồng điều, sắn và lúa.
Đến được Preah Khan cũng là lúc xương khớp của Robin kêu răng rắc vì mỏi. Không giống Angkor Wat chào đón hàng ngàn du khách mỗi ngày, rất ít khách đến Preah Khan. Robin mỉm cười hài lòng vì điểm đến vắng vẻ mang lại cho cô cảm giác như đang dấn thân vào một bí mật.
Nữ du khách dừng lại trước tượng Preah Chahtomukh cao 9,5m, đã được trùng tu để chiêm ngưỡng. Tượng có 4 mặt, mỗi mặt quay về một hướng. Các gương mặt được tạc trên đá mỉm cười, thể hiện sự bình yên gây ấn tượng mạnh mẽ với Robin. Cô đồng tình với Dey khi anh giải thích các gương mặt này được mọi người đặt biệt danh “Mona Lisa của Đông Nam Á”.
Trưa hôm đó, Robin dùng bữa trong một túp lều nhỏ của nhà hàng địa phương. Dù chỉ có cơm và cá khô, nữ du khách Mỹ vẫn cảm thấy rất ngon miệng. Sau khi ăn trưa, Robin và Dey tiếp tục hành trình đến làng Khvav. Đoạn đường tiếp theo chỉ có thể di chuyển bằng xe địa hình và xe bò kéo.
May mắn thay, Dey tình cờ quen hai người đàn ông ở gần đó sẵn lòng chở họ đến nơi. Tài xế của Robin, Cheat, trông có vẻ lo lắng và nắm chặt tay vịn khi cô leo lên phía sau xe anh. Dey, vốn tỏ ra khá nghiêm túc, đã nở nụ cười. Động cơ nổ máy và cả nhóm rời đi. Họ xuyên qua rừng rậm, tránh các ổ gà, ổ voi và những cành cây thấp quẹt vào mặt. Cả nhóm phấn khích lao vút qua những khu rừng, cánh đồng và trên những con đường đất sét hẹp trước khi dừng lại bên đường để ghé thăm tàn tích.
Đường từ đền Preah Khan đến Beng Mealea có nhiều điểm dừng nghỉ để phục vụ người dân nghỉ ngơi. Cả nhóm ghé thăm một điểm dừng chân tên Sopheap Tbong, nơi có cổng lớn dẫn đến hành lang trung tâm rẽ vào hai căn phòng. Nhìn qua những khung cửa sổ để ngó vào căn phòng hẹp bên trong, Robin hình dung tới cảnh những tín đồ hành hương cổ xưa và cả du khách đã nghỉ ngơi tại nơi này như thế nào. Những tín đồ có thể đi bộ trung bình 30 km mỗi ngày nên các nhà nghỉ kiểu này được đặt cách nhau 15 km để họ có thể dừng chân vào trưa và tối.
Trên đường đi tham quan, Robin thắc mắc vì sao không thấy bất kỳ một chiếc xe bò kéo nào trên đường. “Vì trời quá nóng đối với những con bò”, Cheat trả lời.
Rời khỏi khu vực trên, cả nhóm thẳng tiến tới ngôi đền đổ nát Prasat Ta En. Robin hít thở hương thơm thảo mộc của các loài cây xung quanh khi xe dừng lại. Điểm đến cuối cùng trong hành trình là cầu Spean Ta Ong có chiều dài 70 m, chạm khắc tinh xảo.
Cuộc phiêu lưu bằng xe địa hình dài 30 km của Robin đến làng Khvav kết thúc. Cô chào tạm biệt người bạn mới quen Cheat và leo lên ôtô Dey đang chờ sẵn. Từ làng đến đền Bang Mealea còn 20 km và đóng cửa sau 15 phút. Cả hai xác định đến nơi sẽ bị muộn. Tuy nhiên, khi đến nơi, Dey đưa cho người hướng dẫn địa phương 5 USD và được dẫn vào Beng Mealea tham quan.
Được xây dựng cùng thời với Angkor Wat, nhiều người tin rằng Beng Mealea là nguyên mẫu để xây đền Angkor. Quanh đền là những cây bông gòn quấn quanh các tàn tích bằng đá. Rễ của chúng trải dài trên mặt đất như móng vuốt của con thằn lằn khổng lồ, bên cạnh đó là những cây sung. Nằm rải rác trong khuôn viên là những khối đá sa thạch lớn, nhiều khối được trang trí bằng những hình chạm khắc phức tạp.
Sau một giờ tham quan, Dey đưa Robin quay lại Siem Reap. Khi về đến khách sạn, toàn bộ người Robin lấm lem bùn đất, tóc cô vướng đầy gai và bàn chân xám xịt vì bụi bẩn. Dù vậy với nữ du khách Mỹ, hôm đó vẫn là ngày sinh nhật tuyệt vời nhất của cô từ trước đến nay.
Mua vé xe đi Siem Reap – Campuchia gọi 1900 9227 Nhà xe Thái Dương Limousine