Nơi chia sẻ kinh nghiệm du lịch
Đồng Tháp Du lịch trong nước Miền Nam

Top 10 điểm du lịch nhất định phải ghé khi đến Đồng Tháp Phần 1

Đồng Tháp

Bảng Tóm Tắt Nội Dung

Top 10 điểm du lịch nhất định phải ghé khi đến Đồng Tháp Phần 1

Nói đến du lịch miền tây thì không thể nào bỏ qua xứ sen hồng – Đồng Tháp, nơi nổi tiếng với những khu du lịch văn hoá, sinh thái và các khu di tích lịch sử. Ở bài viết này, Hoidulich.net sẽ giới thiệu đến các bạn 5 địa điểm tham quan thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh mà bạn không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp.

1. Khu di tích Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Toạ lạc tại số 123/1, đường Phạm Hữu Lầu, thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đây là nơi an nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), là một nhà nho yêu nước, và là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia ngày 9 tháng 4 năm 1992. (Trích Wikipedia)

Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng vào tháng 8/1975 và khánh thành vào tháng 12/1977. Với diện tích 3,6ha, khu di tích được chia thành ba khu vực chính gồm: Khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà sàn Bác Hồ và Ao sen.

Phần quan trọng nhất của khu di tích này chính là lăng mộ cụ Phó bảng. Mộ được ốp bằng đá hoa cương. Núm mộ hình chữ nhật màu xám tro, yên vị trên nền mộ bằng đá mài trắng, hình lục giác không đều mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Vòm mộ hướng về phía Đông, là một cánh hoa sen cách điệu, có dáng dấp hình bàn tay xòe úp xuống, trên là chín con rồng cách tân đậm nét dân gian, vươn ra trước thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho hình ảnh nhân dân đồng bằng sông Cửu Long chở che, ôm ấp phần mộ. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ hành.

Đặc biệt, tại đây có cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ). Cách vòm mộ 25m về phía trước là hồ sen hình ngôi sao năm cánh, giữa hồ sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao 6,5 m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, lương tâm trong sạch của Nguyễn Sinh Sắc, và cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp luôn yêu quý ông.

Ngoài ra, Lăng cụ Phó bảng còn có tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc đặt ngay khuôn viên ngoài trời, nhà trưng bày, làng Hoà An được phục dựng lại theo thời xưa,…

2. Khu du lịch văn hoá Nam Phương Linh Từ

Đền thờ Đặng tộc toạ lạc tại Long Hưng A, Lấp Vò, Đồng Tháp. Được xây dựng theo kiến trúc cung đình Huế.

Diện tích chung quần thể kiến trúc công trình của Khu du lịch là 17 ha. Được khởi công vào ngày 30-10-2009 và khánh thành giai đoạn I vào ngày 26-4-2015.

Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam với tổng kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng với 5 hạng mục chính: Nam phương Linh từ, Đặng tộc Nam phương Linh từ, nhà bảo tàng họ Đặng, nhà bảo tàng Nam bộ và dãy trường lang bao quanh.

Công trình Nam Phương Linh Từ tôn vinh, tưởng nhớ 125 nhân vật lịch sử có công khai hoang, mở cõi, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam. Nam Phương Linh từ diện tích 509m², đạt 2 kỷ lục Việt Nam: Đền thờ đầu tiên thờ các vị danh nhân có công trong quá trình khai mở, gìn giữ và làm rạng danh đất phương Nam; Đền thờ có nhiều tượng đồng danh nhân lớn nhất về các nhân vật có công thời khai mở đất phương Nam.

Đến với Nam Phương Linh Từ, các bạn sẽ ngạc nhiên với diện tích rộng lớn cùng với sự tỉ mỉ, chi tiết trong từng nét chạm trổ, từng gốc cây, từng viên ngói. Ngoài viẹc chiêm ngưỡng đền thờ, lễ bái, ở đây chúng ta còn có thể ăn buffet bánh dân gian chỉ với 50k và các trò chơi dân gian vui nhộn.

3. Làng hoa Sa Đéc

Ảnh: internet

Làng hoa Sa Đéc đã hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, bấy giờ ở vùng Tân Quy Đông chỉ có vài hộ trồng hoa để trang trí dịp tết. Thấy hoa hợp đất nở đẹp, dần dần số hộ trồng hoa đã tăng lên và mục đích kinh doanh được xác định. Về sau lan rộng ra các vùng như rạch Sa Nhiên, phường An Hòa, xã Tân Khánh Đông, và phường 3 thuộc TP Sa Đéc. Đến nay, tổng diện tích trồng hoa là hơn 510 ha, với trên 2.300 hộ dân, 2.000 loài hoa kiểng khác nhau, trở thành một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam.

Vườn hoa Sa Đéc trồng nhiều loài hoa đẹp như: cúc mâm xôi, cúc tiger, cúc đồng tiền, dạ yến thảo, cát tường, vạn thọ, hoa mười giờ, hoa dừa, đại phú, chiều tím, liễu hồng, xác pháo… Đặc biệt có khoảng 50 giống hoa hồng xuất khẩu như: hồng Grada màu tím sen, hồng Cleopatre màu hồng phấn, hồng Korokit màu gạch tôm, hồng Masseille màu trắng, hồng Elizabet phơn phớt, hồng Confidence màu vàng hột gà, hồng Nhung đỏ thắm mượt mà…

Xứ này còn nổi tiếng bởi các loài cây kiểng, có cây quý hiếm tuổi đã ngót trăm năm, bên cạnh những loài cây rất bình dị gần gũi như: khế, cau, sung, si, mai… qua bàn tay tỉ mẫn, tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng với dáng hình đẹp, lạ. Riêng Vạn Niên Tùng là loài cây thời thượng được giới nhà vườn dí dỏm xếp vào hàng “đại đế” của các loài cây kiểng ở đất phương Nam. Từ các loài Sơn Tùng, Ngọa Tùng, Tùng Hổ Phách, Tùng Nhật Bản… đến Kim quýt, Nguyệt quới, Mai vàng, Mai chiếu thủy… các nghệ nhân đã không ngừng sáng tạo, hình thành nên các thế phu thê, mẹ bồng con, thác đổ, nghinh phong… hàm chứa nghệ thuật và triết lý sâu xa.

Ảnh: internet
Ảnh: internet
Ảnh: internet

4. Công viên Văn Thánh Miếu Cao Lãnh

Ảnh: internet

Tọa lạc tại phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, công viên Văn Thánh Miếu là một trong những tòa Văn miếu được xây dựng trong thời kỳ phong kiến của Việt Nam.

Việc ra đời Văn Thánh miếu Cao Lãnh là sự kiện văn hóa lớn của địa phương nhằm khuyến khích mọi người tham gia học tập, nâng cao trí thức, đào tạo nhân tài cho xã hội đồng thời khôi phục, bảo tồn những tinh túy của Nho học, đã ảnh hưởng sâu sắc vào nền văn hóa và tâm tưởng con người Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Văn Thánh miếu có một điện thờ chính, ở đó được dựng lên nhiều cột và treo nhiều câu liễn, chính giữa văn miếu là một bàn thờ được sơn son thếp vàng là nơi đặt bài vị của Đức Khổng Tử, hai bên bàn thờ là đặt bài vị của tứ thánh gồm Nhan Hồi, Tử Tư, Mạnh Tử, Tăng Tử. Bên cạnh đó, cạnh bàn thờ chính là hai bên phải trái đều có các bàn thờ nhỏ thờ các bậc tiền hiền, là những người đã có công với vùng đất Cao Lãnh ngày nay.

Đến với công viên Văn Thánh Miếu, bạn sẽ được thả mình vào không gian rộng rãi, thoáng mát với phong cảnh non nước hữu tình.

Ảnh: internet
Ảnh: internet
Ảnh: internet
Ảnh: internet
Ảnh: internet
Ảnh: internet

5. Phước Kiển Tự/Chùa lá sen

Ảnh: internet

Toạ lạc tại Hoà Tân, Châu Thành, Đồng Tháp, Chùa Phước Kiển là ngôi chùa lâu năm, tương truyền là từ thời vua Thiệu Trị.

Chùa nổi tiếng với những ao sen độc đáo. Ao sen ở chùa Phước Kiển có hình vuông tượng trưng cho đất, lá sen có hình tròn tượng trưng cho trời. Lá sen khổng lồ, to như những cái nia, vành cong gần cả tấc tay, nom rất đẹp mắt. Nếu không tận mắt nhìn thấy, chắc chắn bạn sẽ hồ nghi rằng, đây chỉ là lá sen làm bằng nhựa hoặc bên dưới lá có sắt thép chống đỡ.

Sen ở đây được trồng từ năm 1992, đến năm 1998 ao khô cạn nước thì bị chết, sau đó mùa nước nổi mới mọc lại. Nếu đến thăm chùa vào mùa hè khi nước chưa về, thì lá sen chưa to, bạn không thể ngồi lên.

Du khách tham quan hồ sen miễn phí, nhưng để ngồi lên lá sen chụp ảnh thì có người dân sống gần đó làm dịch vụ, bắc ván gỗ đưa bạn lên lá, rồi chụp ảnh. Giá dịch vụ là 20.000 đồng.

Ảnh: internet

Ảnh: internet
Ảnh: internet

Note: Bài viết có tham khảo thêm thông tin từ nhiều nguồn.

Bài viết liên quan

Khau Phạ Mù Sương

Thái Dương

Thiên đường mận chín đỏ – Du lịch trải nghiệm mùa mận ở Mộc Châu

Thái Dương

Chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch Phan Thiết cùng người thân

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Chúng tôi sẽ cho rằng bạn ổn với điều này, nhưng bạn có thể từ chối nếu muốn. Đồng ý Đọc Thêm

Chính sách bảo mật và cookie
// disable cf7 when submited form