Nơi chia sẻ kinh nghiệm du lịch
Du Lịch Thái Lan Du Lịch Campuchia Kinh nghiệm du lịch

Hướng Dẫn Đến Thái Lan Bằng Đường Bộ năm 2022

Bảng Tóm Tắt Nội Dung

Hướng Dẫn Đến Thái Lan Bằng Đường Bộ năm 2022

Đi vào ngay dịp 30/4 – 01/5/2022, vì tính lười biếng nên mãi hôm nay gần 1 tháng mình mới viết xong bài review này, tuy nhiên theo những gì mình biết thì những thông tin trong bài vẫn còn giá trị vì không có gì thay đổi. Vé máy bay dịp lễ khá cao nên mình quyết định đi bằng đường bộ và rõ ràng là cách này tốn khá ít chi phí.

Vì thế mình viết note này để chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn nào thích trải nghiệm, muốn đến Thái một cách tiết kiệm trong đợt lễ Tết sắp đến. Mong muốn mang đến nhiều thông tin nhất có thể nên mình viết khá dài, hy vọng mọi người chịu khó đọc.

Tổng chi phí: 220k (vé xe đi PhnomPenh) + 575k (vé xe đi Bangkok) + 190k (chi phí dọc đường) = 985k

Nếu săn được vé rẻ thì vé máy bay đi Thái chỉ tầm 1.100k, nên việc đi bằng đường bộ mình nghĩ chỉ tiết kiệm khi đi vào dịp lễ, còn lại cứ đi bằng máy bay là tốt nhất.

Bài viết sẽ được chia làm 3 phần: Chuẩn bị trước khi đi , Hành trình , Một số tip khi du lịch Thái Lan
Nhằm mục đích cung cấp thông tin chân thực, trong bài có sử dụng một số hình ảnh trên internet.

A. Chuẩn bị trước khi đi: xây dựng lịch trình, đặt xé ve, chuẩn bị giấy tờ

B. Hành trình: TP.HCM – PhnomPenh – Bangkok

C. Một số tip khi du lịch Thái Lan: rất nhiều tip du lịch Thái đã được chia sẻ, ở phần này mình chỉ nêu ra 1 vài cái mà bản thân tâm đắc

Cảm ơn nhóm “Du lịch Thái Lan” rất nhiều vì đã giúp mình có được chuyến đi trọn vẹn. Hy vọng bài viết này của mình đã giúp ích được cho mọi người dễ dàng chinh phục xứ chùa Vàng.

Chúc mọi người năm 2022 sẽ có nhiều chuyến đi thú vị và đầy trải nghiệm.

Hình dung cung đường bạn sẽ đi:

Cung đường bộ từ TP.HCM đi Bangkok đã quá quen thuộc, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm những bài review chất lượng trên internet. Mình khuyên bạn nên đọc ngấu nghiến để có thể hình dung ra mình sẽ đi như thế nào, từ đâu đến đâu từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất.

Sau khi nghiên cứu, mình quyết định sẽ đi hành trình TP.HCM -> PhnomPenh -> Poipet -> Bangkok. Xuất phát trưa ngày hôm nay và đến Thái chiều ngày hôm sau.

Tip: càng đọc nhiều bài khác nhau bạn càng gom góp được nhiều kiến thức hay, nếu chỉ đọc vài ba bài sẽ khó hình dung hết được.

Đặt vé xe TP.HCM đi Phnompenh:

Vé xe đi Phnompenh cực kỳ dễ mua, có hàng chục hãng xe chạy xuyến suốt các giờ trong ngày. Nhiều lựa chọn từ ghế ngồi cho đến giường nằm, VIP,… Tuy nhiên chọn nhà xe nào, giờ đi nào, loại ghế nào cũng là một tính toán khó khăn.

Đi 1 vòng khảo sát giá của các nhà xe thì quyết định mua vé 220k ghế ngồi tại đại lý phòng vé xe du lịch Thái Dương (302 Cộng Hòa, quận Tân Bình). Chặng đường chỉ tầm 6 tiếng nên mình không có nhu cầu mua giường nằm, và trong list nhà xe ghế ngồi thì đây là nhà xe giá rẻ nhất, thuận tiện nhất (với mình) vì xuất phát từ quận 1.
Lịch trình dự kiến đến PhnomPenh lúc 19h.

Tip: bạn nên xem thử nhà xe sẽ thả ở đâu tại PhnomPenh để tính đường di chuyển đến chỗ nhà xe đi Bangkok. Thường địa chỉ thả khách có in sẵn trên namcecard hoặc vé xe.

Đặt vé xe Phnompenh đi Bangkok: 

Khi bạn tìm mua vé xe đi thẳng từ TP.HCM đi Bangkok thì hãy chú ý kỹ, đây đơn giản chỉ là chiêu “nối chuyến”, hầu như 90% là sẽ dừng tại Campuchia 1 đêm và tiếp tục khởi hành đi Bangkok vào sáng hôm sau. Với những bạn muốn khám phá thêm Campuchia thì cũng khá hay, nhưng với mình thì nó lại thành điều rắc rối, thậm chí là tốn thêm tiền khách sạn không đáng có. Cũng có những nhà xe xuất phát từ NTĐ Quân khu 7 lúc 4h sáng và đến Thái lúc sáng sớm ngày hôm sau, nhưng khung giờ này thì không thuận lợi lắm, mất hết 1 ngày làm việc.

Vì không có nhiều thời gian nên mình chọn đi từ PhnomPenh ngay trong đêm để đến Bangkok sớm nhất có thể. Mình xuất phát lúc 22h, vì như vậy vừa có vài tiếng lang thang chợ đêm kiếm gì bỏ bụng, vừa đến cửa khẩu Poipet (cửa khẩu giao với Thái Lan) tầm 6h sáng hôm sau là đẹp, tranh thủ xếp hàng lúc hải quan vừa mở cửa.

Bạn có thể mua vé tại khu chợ đêm cũ với nhiều sự lựa chọn tương tự khu Phạm Ngũ Lão. Tuy nhiên mình không muốn gặp trường hợp nhà xe hết vé dẫn đến phải ngủ lại Phnompenh 1 đêm và “phá sản” hết lịch trình còn lại nên quyết định đặt vé trước qua mạng.

Với một đất nước chưa phát triển thì việc mua vé qua mạng không hề dễ dàng, cày nát internet mới tìm được hãng xe Virak Buntham có web bán vé khá chuyên nghiệp, nhiều option để lựa chọn và mình đã chọn Hotel Bus với giường nằm đúng nghĩa (ở Việt Nam gần đây cũng đã xuất hiện loại xe này với cách gọi “khách sạn di động”).

Giá 25$ hơi cao hơn 2-3$ so với mua trực tiếp nhưng vẫn còn thấp hơn tiền phòng ngủ lại qua đêm, tránh được rủi ro không đáng có. có thể mua tại các văn phòng đại lý từ Sài Gòn như tại công ty du lịch Thái Dương – 302 Cộng Hòa , P13- tân Bình hay 302 Cộng Hòa – Tân Bình

Vé này là vé trọn gói đi từ Phnom Penh đến Bangkok, nếu không thích thì bạn có thể mua vé từ Phnom Penh đến Poipet đến khi qua Thái Lan thì mua vé từ cửa khẩu Aranyaprathet đến Bangkok. Như nhau cả vì đằng nào khi qua Thái cũng đổi xe vì bên này xe chạy bên trái. Mình thì luôn ưu tiên phương án an toàn nên mua trọn gói vẫn hơn.

Chuẩn bị giấy tờ:

Việc đặt vé máy bay về và khách sạn ở Bangkok không liên quan đến chủ đề bài viết lắm nên mình không đi sâu vào chi tiết, nhưng đó chắc chắn là 2 thứ không thể thiếu trong balo khi đi đường bộ. Để chuyến đi được suôn sẻ nhất, mình khuyến khích các bạn in ra passport (1), vé xe Virak Buntham (2), xác nhận đặt phòng khách sạn (3), vé máy bay về (4) kèm thêm 1 tờ giấy có in contact cá nhân (5) gom lại thành 1 bộ, photo nhiều bộ để trong ví, balo, valy và cả up lên drive lưu trữ cho thêm phần chắc ăn.

Vì tỉ lệ người Việt (và các nước Đông Dương nói chung) nhập cảnh sau đó trốn ở lại Thái Lan làm lao động bất hợp pháp khá cao nên khi nhập cảnh hải quan sẽ hỏi những giấy tờ này để biết bạn vào Thái mục đích gì và chắc chắn bạn sẽ quay trở về nước sau đó.

Bên cạnh bay bằng hãng giá rẻ, việc nhập cảnh bằng đường bộ cũng là 1 trong những yếu tố làm gia tăng sự nghi ngờ của các nhân viên hải quan dành cho bạn, vì cho rằng bạn không có tiền mới phải sử dụng 2 hình thức này.

Đừng tự ái khi họ đánh giá thấp người Việt Nam, hãy nhìn sự cố vừa rồi xảy ra tại Đài Loan là hiểu.

Lên đường đi Phnom penh

Xe xuất phát đúng giờ, đón ngay trước văn phòng nhà xe. Ghế ngồi thoải mái nên mấy tiếng đi xe cũng nhanh chóng trôi qua. Trên xe đa phần là các cô chú lớn tuổi đi buôn bán ở PhnomPenh.

Tip: bạn nên chụp hình lại biển số xe để không bị lạc khi lát nữa qua cửa khẩu vào Campuchia.

Đến cửa khẩu Mộc Bài

Không biết có kẹt xe hay không nhưng thời gian đến cửa khẩu có chậm hơn so với dự kiến. Đến đây thì lơ xe sẽ thu hộ chiếu của mọi người rồi mang vào làm thủ tục trước với hải quan, lát sau mới phát lại để mình tự trình hải quan. Lại một lần nữa bạn có thể cảm thấy tự ái, vì đa phần người trên xe không biết tiếng Anh, không biết quy trình nên lơ xe phải làm giúp, chứ với các nhà xe nước ngoài họ đều để hành khách tự mình làm thủ tục, tự chịu trách nhiệm.

Thủ tục hoàn toàn không tốn tiền. Qua đến bên kia Campuchia, lên lại đúng xe của mình rồi tiếp tục hành trình. Nhà xe có ghé vào một quán ăn cũng khá tươm tất, nhưng mình chỉ uống chai nước lọc và ngồi sạc pin, an toàn vẫn hơn.

Đến Bến xe tại PhnomPenh  

Chẳng hiểu sao xe đi quá chậm so với dự kiến, mình mất tận 7 giờ 30 phút để đến được bến xe của nhà xe Phương Heng ở Campuchia.

Vì đã xem trước khoảng cách từ bến xe Phương Heng qua chợ đêm trên Google Map nên mình nhanh chóng trả giá tuk tuk. Xe tuk tuk ở Campuchia có phần thô sơ hơn ở Thái Lan, nhưng tài xế lại nói rành tiếng Việt để trò chuyện với mình vài câu trênđường.

Tip: mình ở Campuchia chỉ vài phút nên không đổi tiền Riel mà sử dụng USD luôn. Sau một thời gian dài Mỹ “ảnh hưởng” đến Campuchia thì người dân đất nước này cũng dần chấp nhận USD trong giao dịch hằng ngày. Mình cầm 8$ để đi tuk tuk (3$) và ăn tối (5$).

Đến Nhà xe Virak Buntham để đi Phnom Penh

Tuk tuk thả mình ngay nhà xe. Không khí xô bồ, đông đúc khách du lịch không khác gì khu Phạm Ngũ Lão. Nói là nhà xe nhưng thật ra nó chỉ là 2 kiost nhỏ đủ để giao dịch. Đưa giấy xác nhận vé online cho nhân viên, mình nhận lại tờ giấy trắng xé nham nhở với vài dòng nghệch ngoạc ghi giờ khởi hành và mã số xe. Không hiểu sao web thì rất chuyên nghiệp mà vé xe thì như thời đại nào.

Nhà xe Virak Buntham ở Phnom Penh mình chọn mua vé trước tại Việt nam cầm vé cho chắc:

Tham quan chợ đêm cũ chờ lên xe đi Poipet

Từ nhà xe đi bộ vài bước là đến chợ đêm cũ. Chợ đêm này nằm trên một khoảng sân lớn bên cạnh dòng sông … Bước vào cổng chợ là bạn thoả sức khám phá vô vàn món ăn ngon của đất nước chùa tháp cùng nhiều thứ hay ho. Mình đùa thôi, chứ thật ra nó rất tệ, mình là người dễ tính mà còn không chọn được món gì để ăn vì thấy chế biến không mấy vệ sinh, bày trí không đẹp mắt.

Đa số người ăn đều ngồi trên một cái chiếu trải ở giữa sân chợ bát nháo. Sợ lát lên xe đau bụng nên mình ra khỏi đó là ghé vào 1 quán ăn đã xem từ trước ở Việt Nam, được Trip Adviser recommend. Đồ ăn cũng khá ổn, có wifi để mình check lại vài thứ, 5$ vừa đủ để gọi 2 món.

Lên đường xuất phát đi Poipet  

Mặc dù đã xem hình ảnh trước ở VN nhưng mình vẫn rất ấn tượng với xe này, đúng là cái giường thật sự và mình rất mong muốn loại xe này phổ biến ở VN hơn. Nội thất cũng đầy đủ, có cả ổ cắm điện. Tuy nhiên khác với VN, giường ở đây dành cho 2 người, nên sẽ khá bất tiện với ai đi một mình. Hãy tưởng tượng bạn nằm ngủ nguyên đêm với 1 người xa lạ, chắc chắn là bạn sẽ không thích rồi, nhưng mình thì rất thích.

Lên xe nằm thoải mái nên mình đánh 1 giấc say đến sáng, không biết rằng khuya qua xe đã có ghé qua Siem Riep để thả một số khách.

Tip: khi mua vé online, hãy chọn vị trí tầng trên, để tránh có người đi qua đi lại ảnh hưởng đến mình. Khi đi xe giường nằm ở VN mình cũng chọn ghế trên cao. Đôi khi còn tránh được rắc rối khi xe nhồi nhét khách dọc lối đi.

Cửa khẩu Poipet  

Poipet là cửa khẩu thông thương quan trọng giữa Campuchia và Thái Lan. Mình đến đây khi trời vừa sáng, thời điểm này Poipet ngổn ngang công trình xây dựng casino, khói bụi mù mịt khắp nơi kèm theo tiếng ồn ào lộn xộn thật là một cảnh tượng kinh khủng.

Chợt nhận ra cục sạc dự phòng cắm sạc tối qua không cánh mà bay, chia tay Campuchia mà lòng còn lưu luyến đến không muốn quay lại. Xuống xe lấy hành lý, mình đi vào văn phòng Virak Buntham trình vé PhnomPenh – Bangkok để lấy thẻ đeo nhận diện.

Thẻ này có tác dụng khi bạn qua cửa khẩu Aranyaprathet của Thái Lan thì nhân viên nhà xe sẽ nhận diện bạn, biết bạn đã mua vé trọn gói nên sẽ không yêu cầu mua vé nữa. Mình đã đọc điều này từ trước này không bị bỡ ngỡ, cũng như bị quên thẻ, nếu quên lấy thẻ thì không còn cách nào khác là bạn phải mua vé mới để đi được vào Bangkok.

Nhân viên nhà xe cứ giữ passport của mình không trả lại mà cứ nói đi nói lại điều gì đó mình không hiểu, mãi mới nghe ra là “vip stamp”. Đóng dấu VIP này, bạn sẽ được nhập cảnh Thái Lan nhanh hơn, giá của nó là 1000bth. Tất nhiên là mình đã từ chối.

Tip: không khí ở cửa khẩu thật sự hỗn độn, hãy luôn giữ sự tỉnh táo, cẩn thận đồ đạc và đừng tin tưởng ai quá mức.

Làm thủ tục xuất nhập cảnh Thái Lan

Khu làm thủ tục khá xập xệ, nhìn như 1 căn nhà cũ kỹ. Rất nhiều người dân Campuchia đến xếp hàng từ tờ mờ sáng. Vùng biên giới nghèo không có nhiều việc làm, họ chọn cách sáng qua Thái Lan làm việc, chiều tối lại quay về. Chỉ vì chậm chân một chút do ông nhân viên nhà xe cứ giữ passport không chịu trả mà thành ra mình phải xếp hàng khá lâu để làm thủ tục.

Thật sự việc thiếu kiến thức sẽ mang lại nhiều hệ quả không đáng có. Để đến được vùng đất phát triển hơn, những người dân Campuchia phải tốn một số tiền nhờ người viết tờ khai nhập cảnh Thái Lan hộ và thêm một lần đưa tiền cho cán bộ hải quan để được dễ dàng thông quan.

Tip: Nhân viên hải quan giơ giơ tờ tiền lên ra hiệu ý nói mình đóng tiền. Bằng tiếng Anh, mình chậm rãi hỏi lại đó là tiền gì mà phải đóng và thế là nhân viên lẳng lặng tiếp tục làm thủ tục với vẻ mặt không mấy vui vẻ. Các bạn hãy tìm hiểu thật kỹ để không phải đóng những khoản tiền vô lý, hầu như giữa các nước ASEAN thì không phải đóng bất kỳ phí gì khi qua lại. Mình cũng không thích nhiều người gợi ý hãy nói với hải quan là “tao nghèo lắm, tao không có tiền” bla bla.

Nhập cảnh Thái Lan  

Ra khỏi khu vực thủ tục của Poipet, bạn phải đi bộ 1 quãng khá xa để qua đến cửa khẩu Aranyaprathet của Thái lan. Đến khu vực làm thủ tục của Thái Lan, bạn như bước sang một thế giới hoàn toàn khác, hiện đại, sạch sẽ, yên bình hơn. Mình mang sẵn bút bi, điền nhanh tờ khai nhập cảnh rồi vào xếp hàng. Đến lúc này mới biết giá trị của “vip stamp” lớn đến mức nào. Hàng dài người xếp hàng chờ nhập cảnh.

Lúc này lại tiếp tục có nhiều người mồi chài bạn đóng “vip stamp” với mức giá rẻ hơn tầm 700bth. Vì nhân viên hải quan Thái rất khó nên với từng người họ đều hỏi kỹ là đi qua làm gì, khi nào về,… nên mất nhiều thời gian.

Mình phải chờ mòn mỏi gần 2 tiếng đồng hồ mới được làm thủ tục. Không ngoài dự đoán, nhân viên hải quan không chịu đóng dấu mà đưa mình sang 1 booth khác và hỏi về lịch trình. Mình mang ra bộ hồ sơ với đầy đủ giấy tờ và thế là được thông quan dễ dàng.

Việc xếp hàng như thế này thật sự là điều khiến mình lăn tăn về việc có tiếp tục sử dụng đường bộ cho những chuyến đi Thái sau này nữa hay không. Vì việc ngồi xe hàng tiếng đồng hồ không hề khó chịu, ngược lại rất thoải mái, nhưng việc xếp hàng lăn lóc hàng giờ lại vô cùng mệt mỏi.

Tip: bạn nên xem trước mẫu khai nhập cảnh Thái Lan để điền thông tin cho chính xác. Nên lấy mẫu xong vô vừa xếp hàng vừa điền để tranh thủ thời gian.

Đi đến nhà xe Virak Buntham  25/04/2022

Vừa qua hải quan, bạn tiếp tục đi thẳng để tìm nhà xe mà bạn đã đặt vé. Vì chưa tìm hiểu kỹ chỗ này nên mình hơi lúng túng, đành phải lắp ngay sim Thái Lan mua từ trước vào để search. May mà có nhân viên nhà xe thấy mình đeo thẻ nên gọi lại và hướng dẫn đường đi.

Tiếp tục đi bộ một đoạn nữa sẽ đến nhà chờ trung chuyển vào Bangkok, đối diện Star Plaza. Xe đi từ Aranyaprathet vào Bangkok khá nhiều, 30 phút lại có 1 chuyến nên không lo lắng lắm.

Xuất phát vào Bangkok 25/04/2022

Xe van kiểu ghế ngồi cũng khá thoải mái. Lịch trình dự kiến khoảng 4 tiếng đồng hồ. Trên đường đi tài xế rất vui vẻ, đặc biệt là rất hay ghé trạm dừng chân. Mặc dù đi ngắn thôi nhưng tài xế dừng đến 3 lần, mà mỗi lần lại dừng khá lâu.

Dừng lần đầu thì mình khá hứng thú vì trạm dừng ở đây rất sạch sẽ, có nhiều quầy ăn uống hấp dẫn và cả 7-Eleven để mua sắm vài đồ cần thiết.

Nhưng những lần dừng sau thì mình thấy không thích nữa vì muốn vào Bangkok càng sớm càng tốt để còn nhận phòng khách sạn và đi chơi đây đó khi trời còn sáng.

Xuống xe ở Pratunam 25/04/2022

Vì tài xế thích tung tăng nên thay vì 16h đã xúng xính dạo phố như dự kiến thì lúc này mình mới được xuống xe và hối hả tìm đường về khách sạn. Xe thả bạn xuống nhà xe ở ngay sát chợ Pratunam.

Những bạn nào hay đánh hàng Thái sẽ không còn lạ gì với chợ sỉ quần áo này, vô vàn đồ thời trang đẹp với giá hợp lý là sự lựa chọn hoàn hảo để mang về VN bán lại.

Nếu có nhu cầu đi đường bộ về hoặc gởi hàng hoá về VN, bạn cũng có thể đến nhà xe Virak Buntham ở đây hoặc các nhà xe xung quanh.

Tip: bạn nên xem trước khoảng cách, vị trí từ nhà xe Virak Buntham về khách sạn để tính toán cách đi lại.

Nhà xe Virak Buntham ở Bangkok:

Mua sim 4G

Vì nhu cầu cá nhân nên điều đầu tiên mình quan tâm là làm sao để kết nối internet ở Thái Lan. Để online mọi lúc mọi nơi thì không gì tốt hơn việc sắm 1 cái sim 4G (ở Thái thật sự là 4G nha, không phải 3G nửa vời). Mình mua sim DTAC ở VN với giá 145k, nếu mua trên Klook thì rẻ hơn chỉ tầm 105k (chỉ áp dụng với đi máy bay). 2 lần đi Thái mình xài 2 nhà mạng khác nhau là AIS và DTAC, thấy không khác biệt mấy, vì chỉ xài ở trung tâm thành phố chứ không phải ở núi rừng gì nên sóng tốt.

Sim mình mua dung lượng 3Gb xài vô tư, đến ngày về vẫn còn ổn. Còn có tiền trong tài khoản để khi cần thiết có thể gọi điện về VN. Khi hết tiền chỉ cần vào 7-Eleven top up.

Đổi tiền Bath Thái 

Giả sử số tiền mình sử dụng là 100%, thì mình chỉ đổi 30-50% ra Baht, còn lại đều đổi ra USD. Mục đích mình làm vậy là có 2 lý do. Một là khi mang USD qua Thái đổi thì được tỉ giá tốt hơn so với đổi từ VNĐ sang Baht ở VN. Hai là xài đến đâu đổi đến đó, giả sử USD còn dư thì về VN đổi ngược lại ra VNĐ, đôi lúc tỉ giá USD tăng thì còn lời được vài chục ngàn.

Do mình đi du lịch kèm theo đánh hàng nên mới làm vậy để tiết kiệm, chứ nếu chỉ đi chơi đơn thuần và tiêu xài vừa đủ thì mình vẫn khuyên các bạn đổi hẳn từ VNĐ sang Baht cho thoải mái, khỏi phải lằng nhằng chuyện kiếm chỗ đổi tiền khi sang Thái.

Nếu có nhu cầu đổi tiền, Super Rich là hệ thống mà bạn cần note lại trong Google maps. Hầu như rải khắp Bangkok đều có hệ thống này. Hy vọng VN sẽ sớm có hệ thống như vậy để đáp ứng nhu cầu đổi tiền một cách hợp pháp của người dân và du khách.

Website Super Rich:

Tip: bạn có thể vào web hằng ngày để xem tỉ giá, nhưng có vẻ tỉ giá thực tế thấp hơn trên web

Note sẵn địa điểm trên Google Map

Một điều mà mình thường làm trước khi đến một nơi nào đó, đó chính là tìm hiểu xem nơi đó có địa điểm nào đáng đi, món nào nên ăn, nhà hàng nào ngon và note tất cả vào Google Map với tuỳ chọn là “Muốn đến”. Bạn cũng có thể tạo danh sách riêng cho chuyến đi của mình. Khi đến nơi mình chỉ việc mở danh sách này ra và tìm đường đi một cách dễ dàng, cũng như không bỏ sót những nơi cần đến.

Google Map Timeline

Đôi khi bạn vô tình lướt ngang một nơi nào đó mà không nhớ, hoặc đôi lúc muốn tìm lại lịch trình mà mình đã đi qua thì Google Timeline sẽ giúp bạn. Khi bạn online (không cần luôn luôn, chỉ cần thỉnh thoảng), Google sẽ lưu lại toàn bộ hành trình.

Cuối năm nó còn tổng kết giúp xem bạn đã đi những đâu trong 1 năm vừa qua, cũng khá thú vị.
Nếu như đang muốn xem lại hành trình của mình ở chuyến đi vừa rồi mà nhớ hoài không ra, hãy vào Google Timeline ngay bạn nhé.

Bài viết liên quan

Không khí Giáng Sinh tại các nước trên thế giới

Muang Boran thành phố cổ đại đẹp nhất xứ sở chùa vàng

Phượt Koh Rong Samloem

Thái Dương

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Chúng tôi sẽ cho rằng bạn ổn với điều này, nhưng bạn có thể từ chối nếu muốn. Đồng ý Đọc Thêm

Chính sách bảo mật và cookie
// disable cf7 when submited form