Bảng Tóm Tắt Nội Dung
Tây Yên Tử điểm đến hấp dẫn trong ngày
Bắc Giang là vùng đất nổi tiếng với “bánh đa, bánh đúc, vải thiều Lục Ngạn …Và một trong những nổi bật nữa của Bắc Giang là khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử mới khai hội ngày 16/02/2019.
Mình đã được trực tiếp đến tham quan khu du lịch Tây Yên Tử vào chủ nhật vừa rồi. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ tới các bạn vài kinh nghiệm khi tham quan Tây Yên Tử để mọi người tham khảo.
1. Vị trí khu du lịch Tây yên Tử
Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh nằm ở sườn Tây và Bắc thuộc dãy núi Yên Tử trên tỉnh Bắc Giang.
- Tây Yên Tử nằm ở khu Đồng Thông- Xã Tuấn Mậu – Sơn Động – Bắc Giang
2. Phương tiện di chuyển
- Bạn có thể chọn xe máy hoặc ô tô đề có thể tới Tây Yên Tử vì đường đi rất dễ dàng.
- Nếu bạn đi từ Hà Nội thì di chuyển theo quốc lộ 1A đến thành phố Bắc Giang rẽ đường đi Yên Dũng sau đó sẽ tới Lục Nam qua Mai Sưu là đến khu du lịch Tây Yên Tử.
- Hoặc bạn có thể đi xe bus từ Bắc Giang đến Tây Yên Tử
- Quảng đường từ thành phố Bắc Giang đến Tây Yên Tử khoảng 90km.
3. Tham quan những gì ở khu du lịch Tây Yên Tử
Khu du lịch Tây Yên Tử hiện nay đang tiếp tục xây dựng, tương lai đây sẽ là khu du lịch sinh thái nổi bật của Bắc Giang. Khi tới Tây Yên Tử bạn sẽ được tham quan.
3.1. Ngắm thiên nhiên Tây Yên Tử đẹp hùng vĩ
Ngay khi bước cống khu vực Tây Yên Tử bạn sẽ thấy mình như lạc vào một thiên nhiên núi rừng bao quanh cây xanh ngút ngàn và mây bao phủ trên đỉnh núi Tây Yên Tử như một thế giới kì ảo vậy.
3.2. Tham quan chùa Hạ ( chùa Phật Quang)
Từ cổng chính đi bộ khoảng 10 phút là bạn sẽ đến chùa Hạ (còn có tên gọi là chùa Phật Quang). Còn nếu đi cổng chính theo đường lên nhà ga cáp treo (con đường lên nhà ga cáp treo đi bộ tuyệt đẹp với một bên là rừng trúc vừa đi bộ bạn vừa nghe nhạc cảm giác thật nhẹ nhõm,thanh tĩnh.).
Nếu từ nhà ga cáp treo sang chùa Hạ bạn sẽ rẽ sang tay bên phải qua một cây cầu tuyệt đẹp với những cột đèn và những giỏ hoa treo nở đủ sắc màu hồng, màu tím, màu trắng… cây cầu là điểm nhiều bạn chọn chụp hình.
3.3. Trải nghiệm cáp treo qua rừng quốc gia Yên Tử lên chùa Thượng
Sau khi tham quan chùa Hạ bạn sẽ đi sang phía tay trái sang nhà ga cáp treo đi lên chùa Thượng (chùa Kim Quy). Đến đây bạn mua vé cáp treo lượt đi và về tổng số tiền là 260.000đ/ 1 người lớn.
Cảm giác đi cáp treo thật tuyệt khi bạn từ trên cáp treo ngắm toàn cảnh khu rừng quốc gia Yên Tử với những cây rừng xanh ngát sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm thú vị.
Càng lên cao bạn sẽ có cảm giác mình như lạc vào mây vì bao quanh bạn là mây trắng. Sau hành trình đi cáp treo khoảng 6 phút là các bạn sẽ đến tham quan chùa Thượng (còn gọi là chùa Kim Quy).
Chùa thượng nhìn từ xa được bao phủ bởi mây mù mờ ảo đẹp như chốn bồng lai. Chùa còn có quả chuông đồng lớn.
3.4. Tham quan tượng Bảo Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Từ chùa thượng bạn đi bộ khoảng 500m theo những bậc thang là sẽ đến trạm kiểm soát vé giao giữa khu vực Bắc Giang và Quảng Ninh (tại đây bạn phải mua vé một lần nữa là hết 40.000đ/ 1 người lớn để sang vùng đất Quảng Ninh đi con đường đến tượng Bảo Phật Hoàng).
Con đường này bạn sẽ phải leo nhiều hơn quãng đường trước và độ dốc con đường nhiều hơn. Bạn leo bộ khoảng chừng 35-40 phút là sẽ đến tượng Trần Nhân Tông.
Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông có chiều cao 12,6m, nặng khoảng 139 tấn, tượng đặt trên đài sen bằng bê-tông cốt thép ốp đá điêu khắc, thể hiện sự thoát tục của Phật hoàng.
Bức tượng này làm xong năm 2013 là bức tượng đồng nguyên khối , tượng Phật Hoàng được các nghệ nhân của làng Đại Bái (Bắc Ninh) và Ý Yên (Nam Định) đúc trực tiếp.
3.5. Tham quan Chùa Đồng – ngôi chùa độc đáo
Từ tượng Bảo Phật Hoàng bạn đi bộ tiếp khoảng 20 phút nữa là lên đến chùa Đồng. Quãng đường từ đây đi Chùa Đồng sẽ khó nhất vì đường có độ dốc cao nhất trong hành trình Tây Yên Tử.
Đường đi bước trên những bậc thang thi thoảng trên quãng đường bạn sẽ gặp những tảng đá to là bậc trên đường bạn phải khéo léo bước qua để tránh trơn trượt.
Lên tới chùa Đồng là nơi cao nhất của núi Yên Tử – đây là ngôi chùa bằng đồng lớn nhất Châu Á. Và chùa Đồng chính là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông. Vị trí nằm của ngôi chùa đồng giống như một đóa sen đẹp tuyệt trên đỉnh Yên Tử, mỗi một tảng đá nhìn như một cánh sen nở.
Hai bên chùa là dốc đứng, vực thẳm. Bên trong chùa Đồng có những bức tượng bằng đồng được các nghệ nhân kì công đúc. Chùa Đồng là ngôi chùa độc đáo mà bất kì ai khi tới Yên Tử cũng muốn đến.
4.Những chú ý khi tham quan Tây Yên Tử
- Trang phục: Bạn nên chọn trang phục gọn nhẹ, phù hợp nếu đi Tây Yên Tử vào mùa xuân trên đỉnh Yên Tử sẽ hơi lạnh. Không mặc váy ngắn, quần áo ngắn đi chùa.
- Bạn nên chọn dép xăng đan, giầy bệt để leo cho thuận tiện, không nên đi dép, giầy cao.
- Trẻ em còn nhỏ tuổi không nên đi cùng vì đường dốc trẻ em không leo được.
- Chuẩn bị tiền và đồ lễ.
- Về ăn uống dưới khu vực cổng Tây Yên Tử có các quán ăn phở ngon, giá cả hợp lí. Còn nếu bạn ăn uống ở khu vực trên cao khi leo gần Chùa Đồng thì giá cả khá đắt. Vì thế bạn nên mang theo các đồ ăn nhẹ và nước uống, gậy khi leo núi.
- Nếu bạn chọn thời điểm mùa xuân đến Tây Yên Tử nhất là vào ngày chủ nhật, ngày nghỉ thì rất đông
Trên con đường trở về từ Tây Yên Tử bạn có thể dừng chân điểm tham quan khác rất ý nghĩa của Bắc Giang: Suối Mỡ ở Lục Nam, Chùa Vĩnh Nghiêm ở Yên Dũng.
Như vậy, với những chia sẻ ở trên mình hi vọng bài viết Tây Yên Tử điểm đến hấp dẫn trong ngày sẽ có ích cho mọi người khi có kế hoạch tham quan đầu xuân ở vùng đất Tây Yên Tử.