Nơi chia sẻ kinh nghiệm du lịch
Du lịch nước ngoài Bài viết du lịch nổi bật Indonesia

Tìm hiểu ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur

Bảng Tóm Tắt Nội Dung

Tìm hiểu ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur

Indonesia được biết đến là quốc gia vạn đảo với những bãi biển mê đắm lòng người hay những ngọn núi lửa đã rất nổi tiếng. Tuy nhiên, đất nước gần với Việt Nam này lại tồn tại một kỳ quan thế giới mà hẳn nhiều người còn chưa biết đến. Đó chính là ngôi đền Borobudur.

Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới

Được xây dựng từ thế kỷ thứ 9, trên một ngọn đồi giữa bạt ngàn rừng cây, Borobudur là một ngôi đền đồ sộ bậc nhất thế giới. Toàn bộ kiến trúc cao 43m được xây dựng trên nền rộng 2.500m2 và được thiết kế theo mô hình Mạn đà la (Mandala) – mô hình vũ trụ hoàn hảo của Phật giáo Đại thừa. Toàn bộ ngôi đền có tổng thảy 2672 tấm phù điêu chạm khắc nổi và 504 pho tượng Phật.

Borobudur là một ngôi đền bằng đá đồ sộ
Borobudur là một ngôi đền bằng đá đồ sộ (ảnh st)

Đền có 9 tầng xếp chồng lên nhau, chia làm 3 khu vực tượng trưng cho khái niệm Tam giới của đạo Phật. Tầng đế gồm 2 lớp dưới cùng với thiết kế bình đồ vuông, gồm 160 mảng phù điêu mô tả cuộc sống trần tục với những dục vọng đời thường của con người, đại diện cho Dục giới (Kamadhatu).

Các bức phù điêu mô tả cuộc sống trần tục của cõi Dục giới
Các bức phù điêu mô tả cuộc sống trần tục của cõi Dục giới (ảnh st)

Tầng thứ hai gồm 4 lớp tiếp theo, cũng theo hình vuông, đại diện cho Sắc giới (Rupadhatu), tầng này có các hành lang thông nhau tứ phía, gồm 1300 mảng phù điêu mô tả cuộc sống của các tu sĩ hoặc miêu tả về các vị Atula, Bồ tát và sự tích đức Phật. Hàng ngàn bức phù điêu dọc các hành lang nơi đây được tạo tác rất công phu và tỉ mỉ.

Tầng thứ hai với các hành lang thông nhau
Tầng thứ hai với các hành lang thông nhau (ảnh st)

Tầng thứ ba là 3 lớp trên cùng, được thiết kế theo hình đồ tròn với 72 bảo tháp bằng đá sắp xếp đồng tâm. Tầng thứ 3 đại diện cho cõi cao nhất là Vô sắc giới (Arupadhatu). Tầng này khoáng đạt hơn hai tầng dưới.

Tầng thứ ba với các bảo tháp Phật được xếp đồng tâm
Tầng thứ ba với các bảo tháp Phật được xếp đồng tâm (ảnh st)

Các bảo tháp bằng đá với kiến trúc độc đáo, bên trong chứa các tượng Phật trong tư thế ngồi thủ ấn. Ở vị trí trung tâm là bảo tháp chính, thiết kế kín và rỗng bên trong.

Các bảo tháp độc đáo chứa tượng Phật bên trong
Các bảo tháp độc đáo chứa tượng Phật bên trong (ảnh st)

Để lên được bảo tháp trên cao nhất, ước tính du khách phải đi bộ 5km qua những tầng đá. Và để ngắm nhìn, hình dung được toàn bộ 4km tổng ước tính chiều dài các bức phù điêu, du khách phải mất ít nhất 2 ngày. Borobudur là một kiến trúc vĩ đại của con người. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, đền có thể được xây dựng trong suốt 100 năm. Năm 2012, Guinness đã công nhận Borobudur là công trình đền tháp Phật giáo lớn nhất thế giới.

Di sản vô giá của Phật giáo

Borobudur là di sản vô giá của Phật giáo. Ngôi đền vĩ đại này ẩn chứa vô vàn những hàm triết thâm sâu của đạo Phật về vũ trụ, nhân sinh cũng như các cảnh giới tu luyện để về cõi Niết bàn. Đền Borobudur đặc biệt với lối kiến trúc đậm nét Phật giáo Java, vừa mang hơi hướng nghệ thuật của vương triều Gupta (Ấn Độ) lại có dáng dấp văn hóa tâm linh của người dân vạn đảo. Bởi thế, đối với người Indonesia, Borobudur là một báu vật vô giá.

Borobudur là di sản vô giá của Phật giáo
Borobudur là di sản vô giá của Phật giáo (ảnh st)

Đã từng ngủ vùi trong quên lãng

Một kiến trúc kỳ vỹ và chứa đựng bao ý nghĩa huyền diệu của cả vũ trụ, thế nhưng Borobudur đã từng rơi vào quên lãng trong một thời gian dài. Được cho rằng sau vụ núi lửa Merapi phun trào vào thế kỷ 14, ngôi đền đồ sộ này đã bị chôn vùi dưới lớp tro bụi, và từ đó rơi vào quên lãng, ngủ sâu trong lớp cây rừng suốt 10 thế kỷ.

Borobudur kỳ vỹ đã từng bị ngủ quên
Borobudur kỳ vỹ đã từng bị ngủ quên (ảnh st)

Tái hiện diện sau bao thời gian và công sức

Đến năm 1814, Phó Thống đốc Tổng người Anh Thomas Stamford Rafles, trong chuyến thăm Semarang đã được người dân địa phương thông tin về một kiến trúc đồ sộ bằng đá nằm vùi trong rừng phía gần làng Bumisegoro. Trong vòng 2 tháng với hơn 200 nhân lực đốn cây, dọn đất lần tìm, cuối cùng, ngôi đền Phật giáo Borobudur cũng dần hé lộ trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người.

Mãi đến năm 1835, ngôi đền mới được khai lộ toàn diện nhờ công của những người tiếp bước. Từ năm 1973 đến năm 1982 là chương trình trùng tu kéo dài do UNESSCO đảm nhiệm cùng sự góp sức của 27 quốc gia trên thế giới. Hàng trăm nhà phục chế đã làm việc trong 9 năm ròng để tu bổ lại Borobudur, tiêu tốn hàng chục triệu đô la Mỹ.

Giờ đây, du khách thập phương có thể chiêm bái ngôi đền kỳ quan này một cách trọn vẹn. Nơi đây cũng được coi là điểm ngắm bình minh tuyệt đẹp ở xứ sở vạn đảo này.

Nơi ngắm bình minh tuyệt đẹp
Nơi ngắm bình minh tuyệt đẹp (ảnh st)

Điểm tham quan không thể bỏ qua

Tọa lạc tại Magelang, miền trung Java, cách thành phố du lịch Yogyakarta 40km về phía Tây Bắc, việc di chuyển tới Borobudur rất thuận tiện. Đền mở cửa cho du khách tham quan từ 6h-17h. Giá vé cho khách nước ngoài là 22 USD/lượt. Một lựa chọn thường được đề xuất là các bạn mua vé kết hợp thăm Borobudur và đền Prambanan – ngôi đền Hindu lớn nhất Indonesia với tổng giá 40 USD, vé có giá trị trong 48 giờ đồng hồ.

Được đánh giá là một trong 70 kỳ quan của thế giới và là di sản văn hóa quan trọng của nhân loại, Borobudur xứng đáng là điểm đến không thể bỏ qua của mọi du khách khi đến với Indonesia.

Bài viết liên quan

Sa Vĩ nơi địa đầu của tổ quốc

Thái Dương

Chia sẻ kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu lễ 30/4

Thái Dương

Top 7 địa điểm check in đẹp nhất Quy Nhơn

Thái Dương
Đang tải....

Trang web này sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Chúng tôi sẽ cho rằng bạn ổn với điều này, nhưng bạn có thể từ chối nếu muốn. Đồng ý Đọc Thêm

Chính sách bảo mật và cookie
// disable cf7 when submited form