Nơi chia sẻ kinh nghiệm du lịch
Quảng Ninh Bài viết du lịch nổi bật Du lịch trong nước Kinh nghiệm du lịch Miền Bắc

Yên Tử trên đỉnh non thiêng

Yên Tử

Yên Tử trên đỉnh non thiêng

“Tu đông, tu tây

Chưa lên chùa Đồng

Chưa chứng quả tu”

Chùa Đồng là nơi cao nhất của đỉnh núi thiêng Yên Tử, thờ Phật Thích ca và Tam tổ Trúc Lâm.

Yên Tử là đỉnh núi nổi tiếng từ xưa, thuộc tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Uông Bí chỉ hơn 20km và cách di sản thiên nhiên thế giới – Vịnh Hạ Long hơn 70km.

Để đến với Yên Tử, du khách có thể đi xe máy, xe ô tô, xe khách kết hợp xe bus… Đường đi hiện nay rất thuận tiện. Các bạn cứ thẳng xe trên quốc lộ 18, ghé thăm chùa Trình nằm ngay trên quốc lộ xong chạy vào con đường nhựa phía đối diện chùa Trình, đi khoảng 10km nữa là đến chân núi Yên Tử.

Yên Tử cao 1.068m so với mực nước biển. Để lên tới đỉnh là chùa Đồng, du khách phải leo lên khoảng 6km đường núi qua các bậc đá.

Yên Tử đã có hệ thống cáp treo để phục vụ du khách có nhu cầu. Cáp có 2 chặng, chặng đầu từ chùa Giải oan lên đến chùa Hoa Yên, chặng 2 đi từ chùa Hoa Yên lên đến gần Bảo tượng Phật hoàng. Giá mua vé đi cả 2 chặng sẽ rẻ hơn mua lẻ từng chặng (giá 120.000 đồng/lượt/chặng lẻ, khứ hồi là 200.000 đồng; giá mua cả 2 chặng là 120.000/lượt, khứ hồi là 280.000 đồng).

Đường lên chùa Đồng và hệ thống cáp phía xa

Nếu có sức khỏe, du khách nên thử đi bộ, để thấy được hết vẻ đẹp hùng vỹ, thơ mộng nơi đây, cũng như cảm nhận được không khí trong lành tinh khiết của vùng núi thiêng Yên Tử.

Và đặc biệt nhận thấy sự kỳ công của con người cũng như sức mạnh ý chí tuyệt vời của vua Trần Nhân Tông hơn 700 trước đã buông bỏ mọi sự để đến đây tu thiền.

Nếu chọn bách bộ, du khách gửi xe phía dưới bãi, đi bộ một quãng để tới chân núi. Bạn có thể thuê xe điện chở lên với giá 10.000 đồng/lượt.

Đến chân núi, đầu tiên, du khách sẽ thấy một dòng suối trong, trôi lững lờ, êm dịu, đó là suối Giải oan, và ngay phía trên là chùa Giải oan. Tương truyền khi nhà vua lên núi tu, các cung nữ, phi tần trong cung đã theo đến đây để cầu xin vua quay về. Vì không được, tất cả đều gieo mình xuống dòng suối nơi đây. Vua cho lập chùa Giải oan ngay đó, và suối cũng được gọi là suối Giải oan.

Khung cảnh từ đây đã rất trong lành mát mẻ, cây cối cao xanh rợp bóng, chim muông ríu rít chuyền cành. Du khách cứ theo những bậc đá mà leo lên.

Suối Giải oan

Đường lên sẽ chia hai, bên phải là đường Tùng với những cây tùng cổ thụ độ tuổi lên đến hàng trăm năm, bóng tỏa rợp, thân cao lớn sừng sững với những bộ rễ đồ sộ cuồn cuộn mặt đất, có những cây rễ cuộn cả bậc đá lên. Rất nhiều cây tùng nơi đây được công nhận là cây di sản. Bên trái là đường Trúc với hai bên rợp bóng trúc mát lành, thanh tịnh, đường Trúc có vẻ dễ đi hơn.

Và dù đi đường nào thì các bạn cũng gặp nhau tại tháp Huệ Quang, là nơi an vị xá lợi Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nơi đây là một quần thể các bảo tháp, tất cả đều bằng đá và mang nét uy nghi, trầm mặc nhưng cảm giác cũng rất gần gũi, linh thiêng.

Phía ngoài tháp Huệ Quang

Qua khu bảo tháp, khách leo một đoạn bậc đá rất đẹp nữa là đến chùa Hoa Yên. Chùa Hoa Yên cũng rất đẹp, khuôn viên sạch mát và là nơi các thầy ở và sinh hoạt chính. Từ đàn Dược sư, có thể nhìn thấy thành phố Uông Bí phía dưới tít xa, xung quanh là điệp trùng non xanh núi thẳm.

Qua Hoa Yên, khách tiếp tục lên các bậc đá, càng lên cao không khí càng trong lành, chim chóc véo von, cây xanh rì rào. Các bạn sẽ ghé thăm chùa một mái, gian chùa nhỏ trổ ra từ vách núi với kiến trúc cực kỳ độc đáo. Trong chùa có dòng nước mát mà du khách thường ghé xin lộc.

Lên nữa là chùa Bảo Sái, bên ngả kia là chùa Vân Tiêu, đều là chùa một gian cổ kính, đơn sơ và rất thanh tịnh.

Chùa Vân Tiêu

Một nơi mà du khách không thể bỏ qua đó là am Ngọa Vân. Chính là nơi Phật hoàng viên tịch. Nơi đây có bức tượng đá trắng mô phỏng Phật hoàng trong tư thế nằm viên tịch ngay dưới hang đá.

Du khách cứ theo bậc đá lên nữa, sẽ đến tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông sừng sững an tọa giữa nền trời xanh biếc. Trước khi bước đến khu vực khuôn viên tượng, hai bên có một số gian hàng nhỏ chủ yếu bán vòng đá, dây đá lưu niệm và có chỗ bán đồ ăn uống.

Bảo tượng Phật hoàng sừng sững

Chiêm bái tượng Phật hoàng xong, các bạn đi lên chút nữa có thể thấy tượng đá An Kỳ Sinh, còn gọi là Bia phật. An Kỳ Sinh còn chứa đựng nhiều điều bí diệu, chỉ nghe rằng tảng đá đó là do một người hóa mà ra.

Từ đây, du khách bắt đầu leo lên những tảng đá lớn dẫn đến chùa Đồng. Chùa Đồng là ngôi chùa được làm hoàn toàn bằng đồng đen lớn nhất Việt Nam, trong thờ Phật Thích Ca và phía trước là tượng Tam bảo Trúc Lâm. Tất cả đều bằng đồng. Ngôi chùa nhỏ nằm chót vót trên đỉnh núi thiêng, nổi bật giữa nền trời cao xanh diệu vợi, quang cảnh xung quang huyền ảo như chốn bồng lai.

Trên đây đã rất cao, nhìn xuống chỉ thấy điệp trùng non núi, lớp núi này phủ lớp núi kia, từng biển mây trắng bồng bềnh phía dưới, cảnh tựa bồng lai, không khí mát lành tinh khiết. Hai bên là chuông đồng và khánh đồng. Có một gian nhà nhỏ trên đây, bày bán hương đèn và chủ yếu các vật phẩm bằng đá như vòng tay, vòng cổ, dây đeo…

Chùa Đồng giữa biêng biếc trời xanh

Những năm trước, các nhà nghỉ được phép kinh doanh đoạn lưng chừng núi, khu vực chùa Hoa Yên. Bởi thế, du khách có thể nghỉ tối trên đây và sắp xếp dậy sớm để leo tiếp và đón bình minh trên đỉnh núi cao. Tuy nhiên, hiện tại, tất cả các nhà nghỉ đều đã được di dời xuống dưới chân núi, phía bãi giữ xe.

Vì vậy, việc ngắm bình minh trên núi thiêng Yên Tử bây giờ đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều của du khách (vì cáp treo cũng chỉ hoạt động từ 5h-20h mùa cao điểm và từ 7h-18h mùa thấp điểm).

Quang cảnh nhìn từ chùa Đồng

Nếu đi vào mùa thấp điểm, đoạn đường từ ngoài vào cách nhiều cây số đã có những nhà nghỉ cho người chạy xe máy theo du khách để chào mời dịch vụ lưu trú. Họ chỉ giới thiệu và mời thôi chứ không phải chèo kéo, tranh giành khách nên các bạn cứ hỏi thăm nếu thấy phù hợp hoặc có thể lịch sự cảm ơn và từ chối.

Yên Tử thu hút du khách vì là ngọn núi thiêng, không chỉ thể hiện lòng thành kính tâm linh mà cảnh sắc của Yên Tử cũng đẹp và hùng vĩ vô cùng, không khí tinh khiết và cảm giác thanh tịnh mang đến cho người thăm một trải nghiệm không thể quên.

Bình minh trên đường lên núi

Nếu muốn đi chùa lễ Phật, du khách thường trẩy chùa vào tháng Giêng, rất đông. Còn nếu muốn vãn cảnh, thăm nơi thanh tịnh, các bạn nên đi vào mùa ít khách, thường là dịp giữa hoặc gần cuối năm dương lịch, và nên cố gắng lên chùa Đồng lúc sáng sớm để có thể tận hưởng bầu không khí tuyệt vời cùng cảnh sắc nên thơ, kỳ vỹ của đỉnh núi linh thiêng.

 

Related posts

Top hội nhóm của người Việt tại Campuchia có nhiều thành viên nhất

Thái Dương

Huyền Không Sơn Thượng – Lạc trôi vào cõi Phật

Top địa điểm nên ghé thăm khi đến miền Tây 

Leave a Comment

Trang web này sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Chúng tôi sẽ cho rằng bạn ổn với điều này, nhưng bạn có thể từ chối nếu muốn. Đồng ý Đọc Thêm

Chính sách bảo mật và cookie
// disable cf7 when submited form