Bảng Tóm Tắt Nội Dung
Mâm cỗ Tết cổ truyền Việt Nam nét Đặc sắc văn hóa dân tộc Việt Nam
Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn nhất trong một năm, là sự khởi đầu cho một năm mới, vận hộ mới may mắn, bình an. Trong đời sống tinh thần của người Việt, Tết cần phải đủ đầy để cả năm no ấm, vì vậy mà người ta vẫn luôn sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn trong những ngày này. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa cũng như đặc sắc văn hóa trong mâm cỗ Tết cổ truyền Việt Nam ngay trong bài viết dưới đây.
Những món ăn truyền thống trong mâm cơm ngày Tết cổ truyền Việt Nam
Ý nghĩa mâm cỗ Tết cổ truyền Việt Nam
Mâm cỗ Tết cổ truyền – đặc sắc văn hóa dân tộc
Tết là dịp lễ lớn để gia đình quay quần, sum vầy, do đó người xưa quan niệm Tết là phải có mâm cỗ, trước là để dâng lên ông bà, tổ tiên, sau là dùng để thiết đãi gia đình, người thân, bạn bè. Mâm cỗ Tết cổ truyền luôn đủ đầy tượng trưng cho mong ước trong năm mới của mỗi gia đình. Bên cạnh đó, mâm cỗ Tết cổ truyền còn mang ý nghĩa tâm linh vô cùng to lớn. Nó thể hiện lòng thành kính, sự tưởng nhớ ông bà tổ tiên, mong Tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mới với sức khỏe, bình an, may mắn và làm ăn phát tài phát lộc.
Mâm cỗ Tết thường được bày biện và sắp xếp công phu với những món ăn đặc trưng, công phu gồm 4 bát và 4 đĩa. Bốn bát trong mâm cỗ Tết truyền thống sẽ gồm một bát canh măng, một bát su hào, bát mọc nấm và một bát canh bóng thả. Bốn đĩa sẽ gồm một đĩa bánh chưng, một đĩa thịt gà, một đĩa giò lụa và cuối cùng là một đĩa thịt đông. Tất cả những món ăn sẽ được thiết kế và bày biện đẹp mắt, hài hòa với tấm lòng thành kính mong một năm mới hạnh phúc, no đủ.
Ngày nay do cuộc sống bận rộn nên mâm cỗ Tết cổ truyền cũng giản dị hơn xưa rất nhiều. Tuy nhiên những món ăn đặc trưng như bánh chưng, gà luộc hay giò lụa đều vẫn đủ đầy trên mâm cỗ.
Mâm cỗ Tết cổ truyền Việt Nam theo từng miền
Tết cổ truyền chỉ có một tuy nhiên tại mỗi vùng miền khác nhau, mâm cỗ cổ truyền lại có những khác biệt trong cách bài trí và món ăn. Tuy có sự khác nhau nhưng tất cả đều là mong ước một năm mới hạnh phúc, ấm no và đủ đầy.
Miền Bắc
Mâm cỗ Tết miền Bắc cầu kỳ, đủ đầy
Người miền Bắc thường khá kỹ tính, do đó mâm cỗ Tết nơi đây cũng rất cầu kỳ. Theo truyền thống, mâm cỗ Tết của người miền Bắc ít nhất phải có đủ 8 món đựng trong 4 bát và 4 đĩa, đây được xem là sự tượng trưng cho tứ trụ không thể thiếu đó là 4 mùa và 4 phương. Còn đối với các đại gia đình lớn thì mâm cỗ Tết có thể gồm 12-16 món chia đều đựng trong bát và đĩa.
Các món ăn đặc trưng trong mâm cỗ Tết miền Bắc bao gồm bánh chưng, dưa hành, giò lụa, canh măng, thịt gà, nem,… Còn các món tráng miệng sẽ gồm mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho….
Miền Trung
Một trong những nét đặc trưng nhất trong mâm cỗ Tết của người miền Trung có lẽ là những chiếc bánh Tết dài. Bánh này cũng giống như bánh chưng nhưng thay vì hình vuông, chúng sẽ được gói trong hình trụ dài. Bên cạnh món dưa hành, người miền Trung cũng không thể thiếu món dưa góp trong mâm cỗ Tết. Ở các tỉnh Thừa Thiên Huế mâm cỗ sẽ có thêm bò kho mật mía, thịt heo ngâm mắm,…Còn các tỉnh ven biển sẽ có thêm món cá thu kho mặn.
Miền Nam
Mâm cỗ Tết miền Nam trù phú, phóng khoáng
Miền Nam cũng giống như miền Trung, trong mâm cỗ Tết truyền thống sẽ có bánh Tết đặc trưng. Tuy nhiên, phần nhân của bánh Tết miền Nam rất đa dạng gồm nhiều loại nhân như nhân thập cẩm xá xíu, đậu xanh thịt mỡ hay lòng đỏ trứng muối,… Bên cạnh đó, một món ăn không thể thiếu khác trong mâm cỗ khu vực này đó chính là món canh khổ qua (mướp đắng). Ngoài ra, mâm cỗ còn có thêm món thịt heo kho nước dừa, giò heo nhồi, củ kiệu muối và lạp xưởng.
Dù khác biệt trong ý nghĩa của từng món ăn nhưng cốt lõi của mâm cỗ Tết cổ truyền Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Đó vẫn là tấm lòng, sự thành kính, biết ơn và tưởng nhớ tới ông bà, tổ tiên.